Vụ Vedan: Kiện tập thể, được không?

Trong khi đó, ở một số nước trên thế giới, việc này lại được pháp luật cho phép…

Thời gian qua, tại Việt Nam đã xảy ra một số vụ vi phạm làm ảnh hưởng đến số đông người dân như nước tương có chứa chất gây ung thư 3 MCPD hoặc Vedan gây ô nhiễm môi trường.

Kiện ồ ạt, tòa quá tải

Theo pháp luật dân sự của Việt Nam, người dân nào thấy mình bị thiệt hại trong các vụ này đều có quyền khởi kiện bên gây thiệt hại ra tòa để đòi bồi thường. Cho dù tính chất vi phạm đối với số đông là tương tự nhau nhưng mỗi người dân phải trực tiếp đứng đơn khởi kiện và tòa sẽ tiếp nhận đơn, xem xét trong từng vụ kiện riêng lẻ.

Chẳng hạn, nếu 6.973 hộ nông dân bị thiệt hại trong vụ Vedan đồng loạt khởi kiện đòi Vedan bồi thường thì sẽ có 6.973 đơn kiện và 6.973 vụ kiện mà ngành tòa án phải xem xét, giải quyết. Giả sử một cơ quan, tổ chức như Hội Nông dân… có nhiệt tình muốn đứng ra thay mặt 6.973 hộ dân này khởi kiện trong một vụ kiện chung thì ngành tòa án cũng không thể chấp nhận.

Ths Lê Minh Hùng (giảng viên Đại học Luật TP.HCM) nhận xét nếu từng người dân đứng ra khởi kiện riêng lẻ thì số lượng vụ kiện tòa phải tiếp nhận chắc chắn sẽ rất lớn, trong khi hiện nay tòa đã quá tải. Thực tế trong vụ Vedan, TAND huyện Long Thành (Đồng Nai) đang lo ngại sẽ không thể giải quyết xuể nếu người dân địa phương ồ ạt khởi kiện và phải tính đến phương án xin TAND tỉnh hỗ trợ.

Vụ Vedan: Kiện tập thể, được không? ảnh 1

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định chỉ cần vài ngàn người khởi kiện, quá trình giải quyết tất cả vụ án này cũng phải kéo dài vài năm. Trong khi đó, thời hạn luật định để giải quyết một vụ án dân sự tối đa không quá sáu tháng. Như vậy, tòa chắc chắn sẽ phải vi phạm tố tụng...

Kiện tập thể, nên chăng?

Theo Ths Phạm Thị Phương Anh (giảng viên Đại học Luật TP.HCM), ở một số nước trên thế giới, khi xảy ra các dạng tranh chấp như trên thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện riêng lẻ như ở Việt Nam hoặc khởi kiện tập thể để tự bảo vệ mình.

Chẳng hạn, Hội đồng châu Âu (EC) đã ban hành Chỉ thị số 98/27/EC ngày 19-5-1998 (về việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) và Chỉ thị 2001/95/EC ngày 3-12-2001 về quy định chung về an toàn sản phẩm. Theo đó, người bị thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm có thể khởi kiện riêng lẻ hoặc khởi kiện tập thể. Hình thức khởi kiện tập thể cho phép một người hoặc một nhóm người nhân danh cả tập thể người bị thiệt hại được tiến hành khởi kiện yêu cầu bồi thường mà không cần có văn bản ủy quyền chính thức của những người bị thiệt hại. Phán quyết của tòa sau đó sẽ có hiệu lực chung đối với toàn bộ những người tiêu dùng được coi là thuộc tập thể khởi kiện, trừ những người gửi văn bản đến tòa án thông báo rằng mình không tham gia vụ kiện.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho biết các nước khác như Malaysia, Singapore, Nhật… đều cho phép khởi kiện tập thể trong những vụ vi phạm liên quan đến số đông, đến cộng đồng. Nếu như quyền lợi của hội viên bị xâm phạm thì các tổ chức xã hội sẽ nhân danh các hội viên để trực tiếp khiếu nại hoặc khởi kiện.

Theo Ths Lê Minh Hùng, trong mỗi xã hội phát triển, các dạng vi phạm về môi trường và quyền lợi của người tiêu dùng xảy ra không phải là hiếm. Do vậy, nhà nước cần có những chế định đặc biệt khi có các yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại dạng này. Những người bị thiệt hại thường là người tiêu dùng, người dân nghèo, trong khi bên có hành vi sai phạm thường là pháp nhân, tổ chức.

Do vậy, ông Hùng đề xuất nên chăng các nhà làm luật nghiên cứu sửa đổi luật theo hướng tạo điều kiện tối đa cho nguyên đơn thực hiện quyền khởi kiện dễ dàng với các nội dung sau: Được khởi kiện tập thể (do một cá nhân hoặc tổ chức đại diện cho tất cả người bị thiệt hại đứng ra khởi kiện, tham gia tố tụng); người khởi kiện không cần chứng minh yếu tố lỗi, chỉ cần chứng minh có thiệt hại xảy ra; kéo dài hơn thời hiệu khởi kiện, thời gian giải quyết vụ án; xét giảm hoặc miễn án phí.

Kiện nhà sản xuất cũi

Năm 2009, khoảng 1.000 khách hàng tại Canada đã ký vào đơn kiện đòi hãng sản xuất cũi Stork Craft hoàn lại tiền họ đã bỏ ra mua cũi. Luật sư Tony Merchant (Công ty Luật Merchant Law Group), người phát động vụ kiện tập thể trên khẳng định người tiêu dùng muốn đòi lại tiền thay vì phải nhận những chiếc cũi đã được sửa chữa lại.

Cũi Stork Craft được thiết kế với một số bộ phận bằng nhựa dễ bị vỡ, biến dạng và phần chấn song có thể tháo rời. Phần chấn song này có thể lắp đảo lại nhưng không khít. Đây là nguyên nhân khiến cũi có những khe hở gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ, thậm chí đã có trường hợp chết.

Kiện hãng xe hơi

Năm 2008, cô Alisha Koubi ở tỉnh British Columbia (Canada) đã khởi kiện hãng xe hơi Mazda Canada. Trước đó, tháng 9-2006, trong một lần thuê xe Mazda 3, cô thấy rằng xe bị lỗi bộ khóa cửa nên chỉ cần một cú hích vai nhẹ, kẻ gian cũng có thể mở cửa, đột nhập vào xe. Dù chiếc xe của cô chưa từng bị kẻ trộm nào đột nhập nhưng cô vẫn kiện vì cho rằng Mazda đã thiếu trách nhiệm.

Luật sư của cô Koubi cho biết đã liên hệ với 128 chủ xe Mazda 3 khác, những người đã từng bị mất xe vì lỗi bộ khóa cửa cùng hợp sức chống lại Mazda.

Kiện công ty thuốc lá

Năm 2006, Tòa án quận Brooklyn, TP New York (Mỹ) đã cho phép tất cả những ai hút thuốc lá từ ba thập niên qua được kiện tập thể các hãng thuốc lá lớn vì cố tình gây hiểu nhầm loại thuốc lá được mệnh danh “light” ít gây hại hơn thuốc lá thường. Theo Tòa Brooklyn, số tiền các hãng thu được nhờ bán thuốc “light” ước tính khoảng 200 tỉ USD sẽ bị tòa xem xét.

Theo thẩm phán Jack Weinstein của Tòa Brooklyn, trước đây người hút thuốc chỉ có thể kiện với tư cách cá nhân nhưng nay họ có quyền tham gia bất cứ vụ kiện tập thể nào để tăng thêm sức ép.

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm