Ông Kiên chia sẻ ông không phải dân làm luật, do đó khi phát biểu về luật ông đứng ở góc độ kinh tế.
Theo dự thảo, từ Điều 6 đến Điều 25 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ trưởng.Từ thực tế, ông Kiên thấy nếu quy định như vậy về quyền hạn, trách nhiệm dường như không tương xứng với nhau, đã có nhiều quy định kiểu như vậy.
“Tôi xin gửi lại Ban soạn thảo một câu hỏi, trong trường hợp xảy ra như vụ việc Vinashin thì các đồng chí rút kinh nghiệm, quy định trách nhiệm trong này như thế nào? Không phải bây giờ 87.000 tỉ đồng bỏ ra, xong rồi không ai chịu trách nhiệm. Tôi xin chuyển Ban soạn thảo câu hỏi của cử tri”, ông Kiên nói.
Cũng theo đại biểu này, ông thắc mắc không rõ có thống nhất được bộ máy, trên Chính phủ có cái gì thì tỉnh, huyện cũng có không?
Ông Kiên ví dụ: “Tránh tình trạng như ngành Y tế, ở dưới cấp huyện có ba đầu mối. Trung tâm y tế dự phòng, Bệnh viện đa khoa huyện, rồi lại Phòng y tế huyện. Nhưng ở trên Sở y tế thì lại khác, trên Bộ lại không có cơ quan như thế mà chỉ là các Cục, các Vụ”.
Cũng theo ông Kiên, khoản 10, Điều 28 quy định "Thành lập Ban chỉ đạo cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ, của các tổ chức Hội đồng nhân dân"; Khoản 8, Điều 34, "Bộ trưởng thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành để tổ chức sự kiện, sự việc" cho thấy nhiều ban chỉ đạo, nhiều liên ngành quá. Nhưng cuối cùng không quy định rõ được trách nhiệm cụ thể của ai.