Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác ngành kiểm sát năm 2015 diễn ra sáng 16-1 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, đã biểu dương những nỗ lực to lớn của ngành kiểm sát trong năm 2014. Theo Tổng Bí thư, VKS các cấp đã kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật, ban hành nhiều kiến nghị với Đảng, Chính phủ về các giải pháp phòng ngừa vĩ mô, ban hành nhiều nghị quyết về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng...
Tăng cường chống oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm
Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể, trong năm 2015, ngành kiểm sát sẽ siết chặt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Song song đó, ngành sẽ kiên quyết thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của VKS nhằm hạn chế oan sai và chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng; giảm tỉ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng. Không để xảy ra việc đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ giải quyết vụ án do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm do lỗi chủ quan của VKS các cấp. Khắc phục trường hợp lạm dụng miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25 BLHS. Đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp VKS truy tố nhưng tòa xét xử tuyên bị cáo không phạm tội. Hạn chế tối đa các trường hợp tòa xét xử khác tội danh, điều khoản VKS truy tố...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.TRUNG
Tổng Bí thư khẳng định ngành kiểm sát là một khâu quan trọng trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Những năm qua, ngành kiểm sát đã quyết liệt vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết án tham nhũng, nhất là những vụ nghiêm trọng, phức tạp. Đặc biệt, cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã chủ động phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ ngành kiểm sát còn một số hạn chế, thiếu sót như công tác thực hành quyền công tố án hình sự còn để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Việc giải quyết một số vụ án kinh tế chức vụ, tham nhũng chưa đảm bảo tiến độ. Chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp. Việc khởi tố, truy tố một số vụ án còn có sai sót, có trường hợp kiểm sát viên vi phạm pháp luật phải xử lý…
Đảm bảo quyền con người, quyền công dân
Theo Tổng Bí thư, ngành kiểm sát cần tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, khẩn trương thực hiện Luật Tổ chức VKSND vừa được Quốc hội thông qua, tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu VKSND Tối cao thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì xây dựng đề án BLTTHS, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xây dựng đề án BLHS, BLDS, BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính…
“Thực hiện quyền công tố phải đảm bảo không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Trong quá trình hoạt động, ngành kiểm sát phải đề cao, tuân thủ các nguyên tắc tư pháp, dân chủ, pháp quyền đã được Hiến pháp quy định. Không chỉ phát hiện ra những cái sai, cái vi phạm mà quan trọng hơn là phát hiện những nguyên nhân và điều kiện đối với những vi phạm đó. Thông qua mỗi vụ án cụ thể cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, kẽ hở của cơ chế chính sách, sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, đó chính là trách nhiệm chính trị của ngành kiểm sát trước Đảng” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
“Tay nhúng chàm thì không chống được ai”
Tổng Bí thư cũng khẳng định mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tham nhũng vẫn đang là thách thức, là vấn đề bức xúc của xã hội. Từ đó, Tổng Bí thư đề nghị VKSND Tối cao phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan để chủ động nắm bắt kịp thời thông tin về tội phạm tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn có tổ chức. Đẩy nhanh tiến độ xử lý án tham nhũng, mở rộng điều tra cả hành vi lẫn đối tượng tham nhũng.
Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, theo Tổng Bí thư, trước hết nội bộ của ngành kiểm sát phải thật sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là cán bộ được giao nhiệm vụ chuyên trách chống tham nhũng. Phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, có bản lĩnh, dũng khí kiên quyết đấu tranh, bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng. “Nếu cán bộ phòng, chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được ai” - Tổng Bí thư nói.
VKS yêu cầu khởi tố nhiều vụ án tham nhũng Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong, trong năm 2014, VKSND Tối cao đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 18 vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ xảy ra tại Ngân hàng Agribank, Ngân hàng TMCP Đại Dương, Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam… VKSND Tối cao cũng đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm sáu vụ án như vụ Dương Chí Dũng, vụ Vũ Quốc Hảo, vụ Nguyễn Hữu Mãng, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Vũ Việt Hùng, vụ Nguyễn Đức Kiên. Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, VKS đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố nhiều vụ án tham nhũng... Riêng VKS các cấp đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 522 vụ án về tham nhũng, qua kiểm sát đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố năm vụ án về tham nhũng. Cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao đã phát hiện, khởi tố điều tra 14 vụ án về tham nhũng, kinh tế chức vụ trong hoạt động tư pháp. |