LTS: Sự kiện nhóm thanh niên xông vào UBND phường chém người ở Đồng Nai từng gây hoang mang dư luận, ai cũng muốn phải xử thật nghiêm để răn đe. Thế nhưng TAND TP Biên Hòa đình chỉ tội cố ý gây thương tích và cho rằng cũng không xử được tội gây rối trật tự công cộng, thậm chí không chuyển hồ sơ xử phạt hành chính.
Lập luận ấy của tòa là đúng hay sai? Bài viết dưới đây của ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, cùng ý kiến các chuyên gia pháp luật sẽ minh định rõ điều này.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng không có nguyên tắc nào quy định “một hành vi chỉ được xử lý về một tội” cả! Nói như vậy là ngụy biện và không đúng pháp luật. Về lý luận cũng như thực tiễn, chẳng có giáo trình luật hình sự hay pháp luật nào quy định như thế cả! Có lẽ Thẩm phán Nguyễn Trung Hưng (TAND TP Biên Hòa, Đồng Nai) nhầm với quy định của Hiến pháp và pháp luật là “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”!
Tội gây rối trật tự công cộng rất rõ
Một hành vi có thể phạm một tội nhưng cũng có thể phạm nhiều tội. Ví dụ: A làm giấy đỏ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì hành vi này cấu thành hai tội: Tội làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hay B mua thẻ thương binh giả để được hưởng chế độ thương binh nhiều năm mới bị phát hiện, các tòa án đều xử về hai tội: làm giấy tờ giả và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bây giờ xét trường hợp vụ “xông vào UBND phường để truy chém”. Rõ ràng hai nhóm thanh niên đã ẩu đả nhau rồi rượt đuổi tán loạn trên đường phố. Sau đó cả nhóm còn liều lĩnh xông vào trụ sở UBND phường - nơi cơ quan nhà nước đang làm việc - giữa ban ngày ban mặt để đuổi chém đối phương đến đổ máu. Khi có người có ý định can ngăn, nhóm này đe dọa chém người khiến ai cũng khiếp vía. Cán bộ và người dân đều hoang mang, lo sợ trước hành vi côn đồ, lộng hành của nhóm thanh niên này...
Rõ ràng hành vi ẩu đả, đuổi người truy sát như thế là hành vi gây rối trật tự công cộng. Đối chiếu hành vi của các đối tượng này với quy định tại Điều 245 BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì các bị cáo đã phạm vào tội gây rối trật tự công cộng. Lẽ ra ngay từ đầu cơ quan tố tụng TP Biên Hòa phải khởi tố ngay các bị can, bị cáo về tội gây rối trước, sau đó mới xem xét khởi tố tiếp tội cố ý gây thương tích khi người bị hại có yêu cầu (do ở khoản 1 Điều 104 BLHS nên thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại). Nhưng không hiểu tại sao cơ quan điều tra chỉ khởi tố về tội cố ý gây thương tích?!
Từ trước đến nay các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn làm như vậy, không có ai phản bác gì. Phải chăng vụ án này có “vấn đề” hay có khuất tất nào đó (nên thẩm phán mới phát biểu như vậy)!? Nhưng gì thì gì cũng phải nói cho đúng luật chứ!
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Trong vụ án này, rõ ràng hành vi của các bị cáo phạm hai tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng nhưng cơ quan điều tra và VKSND TP Biên Hòa không khởi tố, truy tố về tội gây rối là bỏ lọt tội phạm.
Lẽ ra khi thụ lý vụ án, TAND TP Biên Hòa phải trả hồ sơ vụ án cho VKSND để điều tra bổ sung truy tố thêm các bị cáo về tội gây rối. Nhưng tòa án đã không làm hết trách nhiệm của mình, nay lại viện cớ người bị hại rút yêu cầu khởi tố để đình chỉ vụ án, làm cho dư luận hoài nghi vào sự trong sáng, vô tư của tòa án.
Theo quy định của BLTTHS, trong trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại mà trước ngày mở phiên tòa người bị hại rút yêu cầu thì tòa án phải đình chỉ về tội đã truy tố. Điều này thì không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong vụ án này cần phải làm rõ vì sao người bị hại lại rút yêu cầu. Phải chăng việc rút yêu cầu của họ có vấn đề do bị ép buộc hoặc cưỡng bức, trái với ý muốn của họ!? Việc xác định người bị hại có bị ép buộc hay không thì phải điều tra, chứ chỉ mời người bị hại lên rồi làm cam đoan thì không thể khách quan đâu!
Một vụ án mà các bị cáo xông vào trụ sở UBND phường truy sát chém người đổ máu khiến người dân khiếp vía. Hành vi của các bị cáo rất côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật, dư luận đòi hỏi phải xử nghiêm để răn đe. Vậy mà trước khi xét xử họ lại rút yêu cầu khởi tố thì phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao họ lại rút yêu cầu. Không thể cứ máy móc như tòa án, người bị hại rút yêu cầu thì đình chỉ được. Ở TP Vũng Tàu từng có một trường hợp tương tự, trước ngày mở phiên tòa người bị hại rút đơn yêu cầu và tòa án đã ra quyết định đình chỉ vụ án. Sau đó, chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã kháng nghị hủy quyết định này và vụ án đã được xét xử lại đúng pháp luật.
Thiết nghĩ viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND tỉnh Đồng Nai nên kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP Biên Hòa. Sau khi có quyết định giám đốc thẩm hủy quyết định đình chỉ, vụ án phải được điều tra, truy tố lại, đồng thời phải xử lý thật nghiêm minh thì mới có tác dụng răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao: Có cả hành vi cố ý gây thương tích và hành vi gây rối Thứ nhất, không phải đình chỉ tội này thì không thể xử lý tội khác. VKSND chỉ truy tố tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS. Khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố trước khi tòa đưa vụ án ra xét xử thì đương nhiên tòa đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, do bị giới hạn về mặt tố tụng nên không thể xử lý hình sự những người có hành vi xông vào trụ sở UBND phường chém người là hoàn toàn đúng. Thẩm phán Nguyễn Trung Hưng (TAND TP Biên Hòa, Đồng Nai) nói: “Một hành vi có thể có dấu hiệu của nhiều tội nhưng chỉ xử lý một tội thôi” là không sai. Thế nhưng cần phải hiểu ở đây có thể có đến hai hành vi, một là hành vi gây rối (xông vào trụ sở UBND phường làm loạn, gây đình trệ hoạt động cơ quan công quyền), hai là hành vi đánh/chém người gây thương tích. Hiểu máy móc trong vụ này chỉ một hành vi là sai. Như vậy, nếu đủ yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng thì vẫn có thể xử lý về tội danh này chứ không thể lập luận như thẩm phán TAND TP Biên Hòa. Thứ hai, trường hợp này có thể xử hành chính được vì nhóm người này chưa ai bị coi là tội phạm. Khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính giải thích “vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm…”. Theo Hiến pháp và Điều 9 BLTTHS, không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Cho nên trường hợp này không thể nói nhóm người vào trụ sở phường chém người gây thương tích đã là tội phạm để mà không thể xử lý hành chính (chưa xử mà đã đình chỉ thì không phải là tội phạm). Do đó, cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính nhóm người này (về hành vi cố ý gây thương tích) sau khi tòa đã đình chỉ về tội này. Luật gia NGUYỄN THANH LƯƠNG, Hội Luật gia TP.HCM: Hành vi đã cấu thành tội gây rối Căn cứ vào Điều 245 BLHS và Nghị quyết 02/2003 thì theo tôi, hành vi xông vào trụ sở phường chém người gây thương tích đã cấu thành tội gây rối trật tự công cộng (có hành vi hò hét làm náo động, gây nên sự xáo trộn, hoảng sợ cho những người xung quanh...). Sau khi tòa đình chỉ giải quyết vụ án cố ý gây thương tích thì theo Điều 13 BLTTHS, trách nhiệm khởi tố vụ án gây rối thuộc cơ quan tiến hành tố tụng (Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, VKSND, TAND trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án…). Khách thể bị xâm phạm trong tội này là nền trật tự hành chính, an toàn xã hội… Theo tôi, trường hợp này nếu không xử lý tội gây rối trật tự công cộng là các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bỏ lọt tội phạm. Vậy các thanh niên không tiền án lẫn tiền sự à? Lập luận như Thẩm phán Nguyễn Trung Hưng nghĩa là nhóm thanh niên trong vụ “xông vào trụ sở UBND phường chém người” chẳng những không bị xử lý hình sự mà còn không bị xử lý cả về hành chính. Như vậy, nhân thân những thanh niên này như tờ giấy trắng: Không tiền án, không tiền sự! Điều này thật lạ lùng! Chắc chắn người dân sẽ rất lo sợ với kiểu xử lý mà không xử này! Khi đó nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời sẽ được hiểu như thế nào!? Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa |