Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, thông tin tại buổi tiếp đón Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến thăm, làm việc với các doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ trái cây, trước ảnh hưởng của dịch Corona gây ra.
Ông Tùng cho biết từ sau tết Nguyên đán đến nay, mặc dù sản lượng xuất khẩu trái cây đi các thị trường Canada, Úc, Mỹ có giảm do tác động của virus Corona chủng mới nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì thu mua trái cây trong chương trình liên kết với nông dân và thực hiện đúng các cam kết về giá, cũng như chính sách tiêu thụ.
Lãnh đạo Tập đoàn Vina T&T thông tin về kế hoạch thu mua sầu riêng "giải cứu" giúp nông dân với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (áo trắng).
Đặc biệt, những ngày qua, thực hiện kêu gọi của Nhà nước, Công ty Vina T&T vẫn đẩy mạnh thu mua sầu riêng, thanh long cho nhà vườn tỉnh Tiền Giang đang vào mùa thu hoạch rộ. Phương án của doanh nghiệp là triển khai bán lẻ trái cây tại hệ thống siêu thị với giá không lãi, đồng thời tiến hành trữ đông tại năm kho lạnh, chờ dịch bệnh nCoV ổn định.
"Vina T&T vẫn mua thanh long của nông dân có hợp đồng với giá 25.000 đồng/kg, mua thanh long bên ngoài nếu đạt chuẩn cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg. Hiện thanh long ruột đỏ của người dân đã lên giá 13.000 đồng/kg. Các loại trái cây mà tập đoàn thu mua và chế biến đều xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ" - ông Tùng nói.
Để giúp nông dân giải quyết đầu ra, "vua" xuất khẩu trái cây sang Mỹ cho hay tập đoàn đã đẩy mạnh thu mua để trữ đông, lượng hàng mua vào đợt này của tập đoàn gấp 8-9 lần so với thời điểm này mọi năm.
Doanh nghiệp phải thuê thêm kho lạnh để trữ đông trái cây vì số lượng thu mua tăng cao.
Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp là hiện nay, các kho lạnh của tập đoàn đều đã đầy. Vì vậy, tập đoàn phải thuê thêm rất nhiều kho của các doanh nghiệp khác để tiếp tục thu mua các loại trái cây cho nông dân. Chi phí thuê container lạnh để chứa hàng với giá 8-9 triệu đồng/tháng, tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó. Trong khi tiền điện phục vụ cho việc chạy container lạnh khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Theo ông Tùng, lượng hàng đông lạnh quá lớn, thời điểm xuất container hàng đầu tiên với container cuối cùng có thể cách nhau năm tháng. Như vậy, mỗi tháng mất 9 triệu đồng tiền thuê container cộng thêm 1 triệu đồng tiền điện/ngày, như vậy chi phí một tháng cho mỗi container lạnh 39 triệu đồng và khoảng cách nhau năm tháng mất khoảng 200 triệu đồng mỗi container.
Vì thế, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo Hiệp hội Logistics hỗ trợ về kho lạnh hoặc miễn, giảm tiền điện cho doanh nghiệp khi dự trữ hàng nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ ngành, công ty và hệ thống bán lẻ trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, giảm ùn ứ vì khó khăn khi tắc đường sang Trung Quốc do dịch Corona.
Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo Hiệp hội Logistics hỗ trợ về kho lạnh hoặc miễn, giảm tiền điện khi dự trữ hàng "giải cứu" nông sản giúp nông dân.
Theo bộ trưởng, tình trạng nông sản ùn ứ do ảnh hưởng của dịch bệnh ở Trung Quốc những ngày qua là áp lực nhưng cũng là cơ hội để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Không có gì phải quá hoang mang với việc Trung Quốc đóng cửa biên giới, nếu tập trung tiêu thụ nội địa vẫn khả thi.
Tuy nhiên, về lâu dài, theo bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cần cân đối lại diện tích, không phải vùng nào cũng trồng một loại để ra sản phẩm ồ ạt và đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tìm cách giảm giá logistics.
Bộ trưởng cũng đề nghị các tập đoàn phân phối trong nước tăng cường thiết lập quan hệ lâu dài với người tiêu dùng, mở rộng khách hàng. Với các địa phương, đây cũng là cơ hội để rà soát lại cơ cấu cây trồng, kêu gọi các tập đoàn vào nghiên cứu đầu tư.