Vùng cấm bay là gì?

2/3 miền Bắc Libya nằm trong vùng cấm bay. Máy bay quân sự của một quốc gia bị áp đặt vùng cấm bay bị cấm hoạt động trong vùng này. Nếu có vi phạm, các nước tham gia áp đặt vùng cấm bay có quyền bắn hạ tất cả phương tiện của nước sở tại vì đó được xem là xâm nhập hay hoạt động trái phép trong vùng cấm bay.

Ai có quyền lập vùng cấm bay?

Bản chất của việc thiết lập vùng cấm bay là hành động xâm lược. Vì thế, một vùng cấm bay lý tưởng cần được sự đồng thuận và tuân thủ các tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế. Thường vùng cấm bay được áp đặt bằng một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

Vùng cấm bay được thiết lập trên không phận Libya ngày 17-3 căn cứ nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, năm 1999 dù không được LHQ ủy quyền, NATO vẫn tự áp đặt vùng cấm bay lên không phận Kosovo để triển khai chiến dịch can thiệp quân sự đối với Serbia.

Vùng cấm bay là gì? ảnh 1

Biếm họa của Petar Pismestrovic, báo KLEINE ZEITUNG (Áo). Chữ trong ảnh: No fly zone = Vùng cấm bay; UN = LHQ.

Quyền hạn trên vùng cấm bay

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về vùng cấm bay thường ủy quyền cho các nước tham gia áp đặt vùng cấm bay thực hiện những điều như sau:

- Yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt hoàn toàn tấn công, bạo lực đối với dân thường tại nước bị áp đặt vùng cấm bay.

- Áp đặt vùng cấm bay lên một phần hay toàn bộ không phận nước bị áp đặt.

- Cho phép tất cả phương tiện cần thiết của các nước tham gia thiết lập vùng cấm bay hoạt động trong vùng cấm bay để bảo vệ dân thường và khu vực dân sự, trừ đưa quân trú đóng.

- Tăng cường cấm vận vũ khí và đặc biệt là chống lại lính đánh thuê.

- Áp đặt lệnh cấm đối với một số chuyến bay được chỉ định của nước bị áp đặt vùng cấm bay.

- Thành lập nhóm chuyên gia để giám sát và thực hiện xử phạt.

Vùng cấm bay là gì? ảnh 2

Phạm vi vùng cấm bay ở Libya hiện nay. Ảnh: GLOBALSECURITY.ORG

Trong giai đoạn chuẩn bị lập vùng cấm bay, cần phải ngăn chặn máy bay cất cánh bằng giải pháp phá hủy mạng lưới phòng không, hệ thống phóng tên lửa, radar, các vị trí chỉ huy và kiểm soát dưới mặt đất. Như vậy, việc áp đặt vùng cấm bay là hành động can thiệp quân sự.

Trong trường hợp bị hạn chế về không quân, chính phủ của nước bị áp đặt vùng cấm bay có xu hướng đẩy mạnh các cuộc tấn công dân thường trên mặt đất.

Vùng cấm bay được LHQ cho phép

Theo Nghị quyết 688 của Hội đồng Bảo an LHQ, năm 1991, Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập vùng cấm bay trên Iraq nhằm ngăn chặn quân đội Iraq tấn công người Kurd ở miền Bắc và người Hồi giáo dòng Shiite ở miền Nam Iraq. Đây được xem là vùng cấm bay đầu tiên trên thế giới.

Một ví dụ khác: Năm 1992, sau khi chiến tranh ở Nam Tư cũ, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 781 áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời Bosnia. NATO mở chiến dịch Giám sát bầu trời để kiểm soát không phận Bosnia mà không hề triển khai máy bay nào tham gia chiến trường.

Sau khi thống kê được hơn 500 lần Bosnia vi phạm vùng cấm bay, NATO thúc đẩy LHQ ban hành một nghị quyết mới vào tháng 4-1993 cho phép các nước thành viên LHQ thi hành mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm phù hợp với vùng cấm bay. Liền sau đó, NATO triển khai không kích ở Bosnia.

Vùng cấm bay vô thời hạn

Nhiều nước đã tự thiết lập vùng cấm bay vô thời hạn trên không phận nước mình để bảo vệ các mốc lịch sử, quân sự và chính trị quan trọng. Các địa điểm áp dụng lệnh cấm bay vô thời hạn bao gồm đền Taj Mahal (Ấn Độ), khu di tích Machu Picchu (Peru), cung điện Buckingham (Anh), Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Negev (Israel), Nhà Trắng, Lầu Năm góc, Công viên Walt Disney World (Mỹ) và Cuba. Cuba đã bắn hạ hai máy bay Mỹ xâm nhập trái phép vào không phận Cuba năm 1996.

1.000 km tính từ thủ đô Tripoli là phạm vi vùng cấm bay dự kiến mở rộng về phía tây và phía nam của Libya. Vùng cấm bay ở Libya tập trung ở 2/3 miền Bắc. Hầu hết lực lượng và sân bay quân sự của Libya trú đóng trong khu vực này, trừ căn cứ không quân Ghat.

ĐÌNH PHONG (Theo un.org, globalsecurity.org, Wikipedia, CBC News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm