Trung Đông và chuyến công du nhiều sứ mệnh của ông Blinken

(PLO)- Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang trong chuyến công du đến Trung Đông, nhằm thúc đẩy các bên trong xung đột Israel-Hamas đạt được thỏa thuận, hướng đến một khu vực ổn định.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bắt đầu chuyến công du con thoi tới Trung Đông trong nỗ lực ngoại giao mới hướng đến chấm dứt cuộc xung đột ở Dải Gaza (Palestine). Chuyến đi của ông Blinken tới Trung Đông diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza gây thương vong lớn cho dân thường, là nguồn cơn gây ra nhiều cuộc biểu tình ở Mỹ và làm con đường tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden thêm phức tạp.

Theo tờ The Wall Street Journal, mục tiêu trước mắt của Nhà Trắng là thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên, nhằm trì hoãn kế hoạch đổ bộ của Israel vào TP Rafah (cực nam Gaza) – nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn. Lực lượng Israel cho rằng Rafah là thành trì cuối cùng của các tiểu đoàn Hamas tại Gaza.

Ong-Blinken-den-Trung Dong.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Mỹ và thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh hôm 29-4. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, mục tiêu của ông Blinken vượt xa thỏa thuận ngừng bắn. Theo đó, ông Blinken đang đàm phán với các quan chức hàng đầu của Saudi Arabia về kế hoạch thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Israel, sau khi xung đột Israel-Hamas kết thúc.

Nội dung chương trình nghị sự cũng bao gồm hợp tác an ninh sâu hơn giữa Mỹ và Saudi Arabia, sự hỗ trợ của Mỹ đối với việc phát triển năng lượng hạt nhân dân sự của Saudi Arabia và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông.

Gaza vẫn là trọng tâm

Sau Saudi Arabia, ông Blinken có chuyến thăm đến Jordan và Israel. Điều này cho thấy chính quyền ông Biden đang đặt việc giải quyết vấn đề Gaza trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu, trong bối cảnh cuộc tranh cử tổng thống Mỹ bước vào hồi gay cấn.

Trong nhiều tháng qua, ưu tiên của chính quyền ông Biden là thúc đẩy các bên đạt được thỏa thuận dừng giao tranh và thả các con tin do Hamas giữ, đồng thời tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán về tương lai của Gaza được diễn ra. Mỹ cũng nỗ lực tạo điều kiện cung cấp nhiều viện trợ nhân đạo hơn cho những người dân ở Gaza.

Trong đề xuất mới nhất, Israel đã giảm số lượng con tin mà nước này đề nghị Hamas thả ra. Phía Israel cũng bày tỏ sự đồng tình với yêu cầu của Hamas về việc hướng tới ngừng bắn vĩnh viễn. Phía Israel cho biết đề xuất này là cơ hội cuối cùng để trì hoãn một cuộc đổ bộ vào Rafah.

Theo The Wall Street Journal, nếu cuộc đổ bộ xảy ra, nó sẽ đe dọa việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia và có thể khiến thêm nhiều cuộc biểu tình khác xảy ra trên đất Mỹ.

“Hamas trước đó đã đưa ra một đề xuất cực kỳ hào phóng đối với Israel. Và trong thời điểm này, điều duy nhất đứng giữa người dân Gaza và lệnh ngừng bắn là Hamas” – ông Blinken nói tại cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (IMF) ở Riyadh (Saudi Arabia) hôm 29-4.

Hamas từ chối bình luận về vấn đề này. Nhóm này cho rằng Israel là nguyên nhân chính dẫn đến việc không đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, hôm 29-4, các đại diện của Hamas đã đến Cairo (Ai Cập) để bắt đầu vòng đàm phán mới.

Các quan chức Mỹ cho biết trong bối cảnh các cuộc đàm phán do các nước Ả Rập làm trung gian đang diễn ra, Mỹ cũng đang thảo luận với các quan chức Israel về kế hoạch giảm thiểu rủi ro cho dân thường nếu cuộc đổ bộ Rafah xảy ra.

Các quan chức Mỹ cho biết kế hoạch bảo vệ dân thường do Israel đưa ra vẫn còn sơ sài và cần được bổ sung thêm. Mỹ muốn Israel đưa ra kế hoạch sắp xếp đầy đủ và thời gian biểu thực tế để cung cấp nơi ở, thực phẩm và chăm sóc y tế cho hàng trăm ngàn người dân Gaza ở Rafah, nếu cuộc đổ bộ xảy ra.

7d01736acb0d9cf029daf8beac8578154d2175b4.jpg
Một địa điểm ở TP Rafah (nam Gaza) sau cuộc tấn công của Israel. Ảnh: REUTERS

“Nếu không có kế hoạch đảm bảo dân thường không bị tổn hại, chúng tôi không thể hỗ trợ một chiến dịch quân sự lớn ở Rafah. Và chúng tôi vẫn chưa thấy một kế hoạch nào giúp chúng tôi tin tưởng rằng dân thường [ở Rafah] có thể được bảo vệ một cách hiệu quả” – ông Blinken nói.

Loạt vấn đề quan trọng khác

Hôm 29-4, Ngoại trưởng Saudi Arabia – Hoàng tử Faisal bin Farhan cho biết các thỏa thuận song phương với Mỹ là “rất, rất gần”. Tuy nhiên, các điều khoản nhằm thúc đẩy giải pháp hai nhà nước – điều kiện của Saudi Arabia để bình thường hóa quan hệ với Israel – vẫn cần phải được thảo luận thêm.

Sau đó, ngày 30-4, ông Blinken đã đến Jordan. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ thảo luận về những tiến bộ đạt được trong việc chuyển viện trợ nhân đạo tới Gaza. Mỹ nhấn mạnh việc mở rộng viện trợ nhân đạo là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân Gaza.

Điểm dừng cuối cùng của ông Blinken trong loạt công du lần này là Israel. Trước đó, Tổng thống Biden đã điện đàm Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu. Trong cuộc điện đàm, ông Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Israel, nhưng cũng nhắc lại đề nghị của Nhà Trắng về việc xem xét kế hoạch đổ bộ Rafah.

Trong cuộc gặp với các ngoại trưởng vùng Vịnh vào sáng 29-4, ông Blinken cho biết Tổng thống Biden đã nhấn mạnh với Thủ tướng Netanyahu rằng Mỹ muốn Israel thực hiện các bước cụ thể để giảm bớt đau khổ cho người dân Gaza.

Theo chính quyền Israel, nỗ lực ngoại giao của Mỹ có thể giúp Mỹ và chính Israel thoát khỏi một số thách thức hiện tại.

Theo đó, các cuộc biểu tình tại nhiều trường ĐH ở Mỹ đã làm gián đoạn kế hoạch tốt nghiệp của các sinh viên và dẫn đến hơn 200 vụ bắt giữ. Trong khi đó, Israel có nguy cơ bị cô lập ngày càng cao, cũng như đối mặt nguy cơ rạn nứt quan hệ với Mỹ.

Thế giới Ả Rập cũng nỗ lực nhằm giảm leo thang cuộc xung đột ở Gaza, do nó đang gây ra tình trạng bất ổn trong nước ở các nước này, khiến các mục tiêu kinh tế khó đạt được và đe dọa an ninh khu vực.

30mideast-crisis-blinken-jordan-1sub-zltj-jumbo.webp
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến sân bay tại Amman (Jordan) hôm 30-4. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Các nhà lãnh đạo Ả Rập cũng cảnh báo rằng hoạt động của Israel ở Rafah sẽ là thảm họa, thúc giục ngừng bắn lâu dài và cuối cùng là một tiến trình hòa bình lâu dài ở Gaza.

Phát biểu tại cuộc họp của IMF hôm 29-4, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho rằng cần phải khôi phục tiến trình hòa bình ngoại giao nhằm đạt được giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Hamas, dựa trên việc nhà nước Palestine cùng tồn tại với Israel. Ông Madbouly cho rằng nếu không đạt được điều này, “cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục, sẽ không bao giờ dừng lại và nó sẽ gây hại cho mọi người trong khu vực này”.

Thủ tướng Jordan – ông Bisher Khasawneh nói rằng ngoài việc ngăn chặn chiến dịch tại Rafah và đảm bảo đạt được thỏa thuận ngừng bắn, cần phải thay đổi mô hình quản lý Gaza.

“Những gì chúng ta phải xem xét là một con đường không thể đảo ngược nhằm hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước” – ông Khasawneh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm