Bà Dương Việt Hồng, phụ trách truyền thông WCS, cho biết, nguyên nhân là do Vườn Quốc gia Cát Tiên có phần trùng với khu vực được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và khu ngập nước Ramsar. “Ngoài ra, theo tài liệu đánh giá đưa ra trong cuộc họp của Uỷ ban di sản thế giới ngày (3/5/2013) tại Paris: Vườn Quốc gia Cát Tiên cần sử dụng các hình thức công nhận của quốc tế hiện tại để tạo các phương pháp bảo về và quản lý mạnh mẽ hơn cho khu vực này, chống lại các mối đe doạ như thủy điện, khai thác đá, du lịch thiếu kiểm soát và đặc biệt cần có những hành động khẩn cấp chống lại nạn buôn bán và săn bắn động vật hoang dã trái phép - nguyên nhân gây hại nghiệm trọng tới những giá trị tự nhiên của khu vườn”, bà Hồng thông tin thêm.
Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước với tổng diện tích 71.920 ha. Hiện Vườn là một trong 6 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam và là một trong 4 đề cử trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Vườn có hệ thực vật phong phú gần 1.700 loài và hơn 700 loài thú, chim quý hiếm. Ngoài ra Vườn quốc gia Cát Tiên còn có khoảng trên dưới 20 đàn bò tót với tổng số khoảng 120 cá thể. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là quần thể bò tót hoàn hảo nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, vào 4/2010, sự kiện tê giác Java 1 sừng duy nhất còn sống tại Cát Tiên bị bắn chết để lấy sừng đã gây xôn xao dự luận trong nước và quốc tế. Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF và Quỹ bảo vệ tê giác quốc tế IRF thông báo: Tê giác 1 sừng Java của Việt Nam đã tuyệt chủng.
Sau đó lại diễn ra sự việc cá thể bò tót bị 17 người dân ở thôn Phước Sơn (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên) giết hại và xẻ thịt, bày bán công khai giữa chợ.