Vướng mắc tâm lý, học sinh, sinh viên không có nơi để giải tỏa

Vướng mắc tâm lý, học sinh, sinh viên không có nơi để giải tỏa ảnh 1

Theo báo cáo của ông Linh, kết quả một cuộc khảo sát gần đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành trên một số trường THCS, THPT, đại học ở Hà Nội, Hải Dương cho thấy hầu hết HSSV (93,57%) được hỏi gặp phải những khó khăn vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và đời sống hàng ngày (trong đó khối phổ thông là 95,33%, đại học là 85,92%). 

Đặc biệt ở lứa tuổi học sinh phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là cao nhất với 80,17%. Trong khi đó, phần lớn học sinh được hỏi (82,31%) đều có mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân. 

Cũng theo kết quả khảo sát này, đa phần HSSV mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống. Bởi vì khi chia sẻ với cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách, HSSV đỡ e ngại hơn so với thầy cô chủ nhiệm, quản lý sinh viên hay các giáo viên kiêm nhiệm.

Cùng đó là tâm lý ngại chia sẻ, ngại đến Trung tâm tư vấn hoặc sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ hoặc quỹ thời gian của các em ở trường đã kín vì lịch học. Mỗi khi gặp sự cố tâm lý không biết cách giải quyết, các em thường vào các diễn đàn trên mạng, chia sẻ với bạn bè thân thiết chứ không thổ lộ với gia đình hoặc thầy cô giáo, nên việc nắm bắt tâm lý trong HSSV còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, hiện chưa có biên chế cho cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý ở các nhà trường; chưa có kinh phí hỗ trợ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ kiêm nhiệm làm công tác này. Cán bộ tư vấn tâm lý chỉ là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ và cũng chưa quy định cần có chỉ tiêu biên chế trong các nhà trường. 

Một số trường dù đã thành lập phòng tư vấn tâm lý nhưng hoạt động chưa hiệu quả, thậm chí nhiều nơi còn khó khăn về cơ sở vật chất nên khó bố trí được phòng tư vấn tâm lý riêng.

Đối với các trường đại học, hiện hầu hết đã chuyển từ phương thức đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ, khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý sinh viên. Do đó việc nắm bắt diễn biến tâm lý, tâm tư nguyện vọng của sinh viên gặp không ít khó khăn. 

Việc sống xa gia đình, thiếu sự quản lý của bố mẹ, gia đình dẫn đến một số sinh viên chưa có tinh thần tự lập, tự giác, chưa có ý thức trong học tập, rèn luyện, ham chơi, đua đòi.

Nguyên nhân mà ông Linh chỉ ra, đó là công tác tư vấn tâm lý học đường chưa thật sự được chú trọng. HSSV thiếu “người bạn, người thầy” để chia sẻ, giúp các em định hướng đúng về các lĩnh vực trong cuộc sống, vượt qua những khó khăn.

Trong khi, một số phụ huynh lại có tư tưởng giao phó con em mình cho nhà trường, chưa quan tâm phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục, chưa dành nhiều thời gian quan tâm, nắm bắt đời sống tâm lý và học tập của HSSV. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm