Những clip học sinh (HS) đánh nhau liên tục được tung lên mạng cho thấy tính chất hung hăng hơn; lứa tuổi gây cảnh đánh nhau không chỉ học sinh cấp 3 mà hạ xuống cấp 2, thậm chí cấp 1.
Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam mới đây đã khảo sát hơn 3.000 HS THCS, THPT và công bố có khoảng 80% HS từng bị bạo lực học đường ít nhất một lần ngay tại trường; 71% học sinh bị bạo lực trong sáu tháng.
Nhưng bạo lực học đường không chỉ thể hiện qua những hành động được bộc lộ ra ngoài mà còn ẩn núp bên trong bản thân các em. Đó là tâm lý căng thẳng, sợ hãi, lo lắng vì sợ bị đánh, trả thù… Trường học đáng lẽ là nơi an toàn, yên ổn của HS thì giờ đây có nguy cơ trở thành nơi nhiều HS không dám đến.
Các nhà giáo đã phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng bạo lực học đường. Từ môi trường lân cận trường học, thủ phạm chính là game online, phim ảnh. Hơn 80% HS khi được hỏi đều cho rằng những hình ảnh bạo lực từ game online, phim ảnh có tác động mạnh đến các em khiến không ít em bắt chước, làm theo. Ngoài ra các tệ nạn xã hội, cảnh bạo lực xảy ra ngoài đường phố cũng là nhân tố kích thích, rình rập tấn công vào môi trường học đường. Một nguyên nhân khác bắt nguồn từ phía gia đình; các bậc cha mẹ vì bận rộn làm ăn, ít quan tâm đến con cái hoặc trong gia đình có những xào xáo, bất ổn… Đó cũng là lý do khiến các em trở nên hung hăng.
Tuy nhiên, nhà trường không thể không có liên quan đến bạo lực học đường. Chính các nhà giáo chỉ ra rằng việc một số giáo viên đã dùng hình phạt thiếu chuẩn mực, có tính chất xúc phạm nhân phẩm HS dẫn đến tâm lý các em bị ức chế. Hơn nữa, HS đang tuổi mới lớn, tâm sinh lý đang thay đổi nên dễ dàng phản ứng lại bằng những hành động bạo lực cũng là điều dễ hiểu.
Trước vấn nạn bạo lực học đường, hầu hết các trường tỏ ra lúng túng trong đối phó. Một số trường chọn giải pháp đơn giản là đuổi học hoặc kỷ luật nặng HS. Giải pháp này qua thực tế cho thấy không những không làm hạn chế tình trạng bạo lực mà còn khiến sự việc phức tạp và để lại hậu quả nặng nề hơn.
Như trên đã nói, bạo lực học đường là vấn đề xã hội nên giải quyết nó cần có sự chung tay của xã hội. Nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, ngành giáo dục phải làm trước một bước. Các nhà giáo chỉ ra rằng việc cần làm ngay là đổi mới mạnh mẽ môn học đạo đức và giáo dục công dân trong nhà trường vì nội dung đã quá lạc hậu, lỗi thời.
Cũng vậy, các trường yêu cầu Bộ GD&ĐT chính thức xây dựng định biên giáo viên làm công tác tư vấn học đường. Đội ngũ này có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề tâm lý của HS. Họ là nơi để các em giãi bày tâm sự và được nghe kịp thời những lời tư vấn, giúp các em có suy nghĩ và hành động đúng đắn.