Đạo đức học sinh: Càng lên cao càng giảm!

Tổng hợp xếp loại hạnh kiểm học sinh (HS) THCS, THPT từ báo cáo của Sở GD&ĐT 25 tỉnh, TP cho thấy có sự suy giảm về đạo đức trong HS phổ thông theo thời gian, cấp học. Lên cấp học trên, tỉ lệ HS đạt hạnh kiểm tốt giảm, trong khi đó tỉ lệ hạnh kiểm trung bình và yếu tăng.

Đây là thông tin được TS Chu Văn Yêm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đưa ra tại hội thảo Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 11-4 tại Hà Nội.

Nhiều biểu hiện lệch chuẩn

TS Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), cho rằng vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV đang được cả xã hội hết sức quan tâm và lo lắng. Trong 22 triệu HS-SV, số em có đạo đức lối sống không tốt chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ nhưng số lượng tuyệt đối thì không nhỏ và đã gây bao nỗi băn khoăn, lo lắng cho xã hội bởi những hậu quả do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống.

Đưa ra các clip đánh nhau của HS vừa được tung lên mạng Internet, anh Doãn Hồng Hà, Ban Thanh niên trường học (Trung ương Đoàn), nhận định vấn nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, xuất hiện nhiều “nữ quái” trong trường học. Hiện tượng HS-SV tự quay clip sex, tự đăng lên các diễn đàn, các mạng xã hội đang có xu hướng phổ biến.

 
Giáo dục đạo đức cho HS-SV là vấn đề xã hội rất quan tâm. Ảnh minh họa: HTD

Ngoài ra, vấn đề sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai trong HS-SV cũng đang trở nên phổ biến. Việc tham gia các trò chơi cờ bạc, cá cược không phải là hiếm, có những khu trọ được dân gọi là “làng cờ bạc”. Theo thống kê của VKSND Tối cao hàng loạt các vụ cướp, đâm chém do tư thù cá nhân có hung thủ trong độ tuổi rất trẻ, dưới 25 tuổi, thậm chí mới chỉ 16-17 tuổi.

Chưa quan tâm giáo dục đạo đức

Ông Chu Văn Yêm cho biết qua khảo sát tại bảy tỉnh, TP về công tác giáo dục đạo đức HS trong trường phổ thông của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy còn một số tồn tại. Đó là vẫn còn tư tưởng “khoán trắng” cho nhà trường. Có tình trạng giáo viên chỉ tập trung vào giảng dạy kiến thức chuyên môn, chưa quan tâm đến việc lồng ghép giáo dục đạo đức. Một bộ phận giáo viên chưa thực sự quan tâm đến hình ảnh mô phạm của người thầy.

Ngoài ra, sách giáo khoa môn đạo đức, giáo dục công dân từ năm 2002 đến nay nội dung chương trình không có gì thay đổi, không cập nhật thực tiễn. Nội dung còn nặng lý thuyết, ít gắn liền với rèn luyện kỹ năng sống. Một số bài chưa phù hợp với thực tiễn, mang tính áp đặt, nhồi nhét, một số nội dung không phù hợp với lứa tuổi. “Lớp 5 có bài học về Liên Hiệp Quốc. Lớp 9 có bài “Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân”, “Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế”, “Quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của công dân”. Lớp 10 phần triết học rất trừu tượng, khó hiểu…” - ông Yêm dẫn chứng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý khẳng định giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường dù tốt đến mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và xã hội thì kết quả cũng không toàn diện, bền vững. “Đúng là dạy môn giáo dục công dân có vấn đề, có bài không phù hợp với lứa tuổi. Sắp tới Bộ sẽ tiến hành sửa đổi chương trình, đưa vào những gì thực tế với HS, tránh những bài sáo rỗng” - ông Quý nhấn mạnh.

HUY HÀ

 

Trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM và HS được tổ chức trong tháng 3 vừa qua, nhiều ý kiến HS không khỏi băn khoăn về vấn đề đạo đức học đường hiện nay.

“Chúng em đang học như một cái máy, đến những kỹ năng sống hay học để làm người cũng phải học thuộc thì làm sao hiệu quả được. Giáo viên cứ dạy, HS cứ học thuộc, điểm cứ cao và tình trạng HS đánh nhau, xúc phạm thầy cô, mang thai hay vi phạm luật giao thông vẫn cứ thế xảy ra. Nên chăng ngành giáo dục nên để môn học này về đúng bản chất của nó, nội dung thay đổi, cách dạy thay đổi, giúp HS được trang bị kiến thức làm người và kỹ năng sống đúng đắn."

Phạm Thái Tiểu Mi, lớp 11, Trường THPT
Bình Khánh, huyện Cần Giờ

 “Đối với những môn học liên quan đến lối sống, giáo dục đạo đức, nhà trường cần bỏ cách chấm điểm truyền thống dựa trên bài thi lý thuyết nên chấm điểm dựa vào áp dụng thực tế sinh hoạt, có như vậy mới răn đe HS. Hơn nữa, nhiều giáo viên chưa tận dụng việc dạy các môn học khác vào giáo dục đạo đức cho HS trong khi nếu chỉ dựa vào môn đạo đức hoặc giáo dục công dân thì quá ít và khô khan. Ngay như môn ngữ văn, nếu dạy theo dự án “Học văn để sống” như ở trường em sẽ giúp HS có những trải nghiệm thực sự và nhiều bài học ý nghĩa. Thông qua những tình huống trong cuộc sống, những số phận éo le sẽ giúp chúng em hiểu và yêu thương nhau hơn, sống lành mạnh hơn."

Lục Phạm Quỳnh Nhi, Trường THCS, THPT
Đinh Thiện Lý

HÀ AN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm