Đó là lý do những người làm giáo dục cần nhìn lại việc giáo dục đạo đức cho HS thời gian qua và tìm hướng đi cho tương lai.
Trước hết, phải xác định lại HS cần gì từ những bài học về đạo đức. Chắc chắn đó không phải là những khái niệm trừu tượng, những vấn đề mang tính vĩ mô. Các em cần những cơ sở nhân bản. Lấy con người, gia đình, cuộc sống xã hội làm gốc. Vì không đi từ thực tế cuộc sống nên những bài học không “đến” được với các em theo cách xã hội mong muốn.
Tôi còn nhớ, một buổi sáng đang xuống cầu thang chung cư để đi dạy, đi trước tôi là cô bé HS tiểu học đang tranh thủ trả bài “Năm điều Bác Hồ dạy” cho mẹ. Em đang đọc nốt những câu cuối: “…Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn thật thà dũng cảm”, đúng lúc đó, em vừa uống xong hộp sữa rồi thản nhiên quăng xuống cầu thang và thốt lên: “Mẹ ơi con thuộc bài rồi!”.
Bạn tôi, một giáo viên dạy THCS, kể tôi nghe có lần làm giám thị coi kiểm tra môn giáo dục công dân lớp 6 với hai câu hỏi: Trung thực là gì? Biểu hiện của lòng trung thực? Tự trọng là gì? Biểu hiện của lòng tự trọng? Vì không để ý nên học sinh không biết giáo viên đang cuối lớp đi lên. Em ngồi bàn sau yêu cầu bạn ngồi trước cho xem bài bằng cách đẩy tờ giấy làm rồi qua một bên. Do lo lắng nên sự “phối hợp” chưa ăn ý. Khi đó, cậu học sinh muốn xem bài bạn phải thốt lên: “Lòng trung thực tao chép được rồi. Lòng tự trọng là gì?...”.
Những chuyện tưởng như vụn vặt ấy khiến tôi trăn trở mãi. Giá như các em hiểu “Học để hành”. Giá như chúng ta không dạy đạo đức một cách máy móc và đánh giá bằng việc học thuộc lòng mà thông qua những việc làm cụ thể... thì ý nghĩa của bài học sẽ đi vào hành vi của các em, từ đó trở thành thói quen. Và đây là cơ sở hình thành nhân cách.
Qua báo chí, tôi thực sự cảm kích cách giáo dục HS ý thức giữ vệ sinh của Trường chuyên Quang Trung - Bình Phước. 10 năm kể từ khi thành lập, trường không thuê nhân viên vệ sinh. “Học sinh thấy rác là phải nhặt” luôn được yêu cầu và thực hiện hết sức nghiêm túc. Từ đó, các em xem việc cúi xuống nhặt rác trước mặt người khác là điều đáng tự hào. “Mắt thấy rác, tay nhặt liền” là câu nói cửa miệng của nhiều thế hệ học sinh trong trường. Lâu dần thành quen. Các em thấy gắn bó và yêu trường mến lớp hơn. Và đó là đích đến của giáo dục.
Vì vậy, để đạo đức đi vào cuộc sống của HS, chúng ta cần quan sát - ghi nhận kịp thời. Một HS của tôi là em Trần Thị Quế Hương - lớp 12A4, trong một lần nộp bài kiểm tra (làm ở nhà) trễ, em mang bài lên đưa cô và nói: “Em xin cô trừ em 2 điểm vì em nộp trễ hai ngày để công bằng với các bạn” . Tôi thực sự cảm kích về nhận thức của em. Tôi chia sẻ cùng cả lớp: “Cô trừ Hương 2 điểm vì nộp trễ hai ngày và cộng cho bạn 2 điểm vì biết thể hiện lòng tự trọng…”. Thông qua đó, tôi tích hợp cho HS bài học từ việc làm này. Để giúp các em có được cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu và sở hữu trong cuộc đời.
Thế nên từ Hội thảo về chủ đề “Giáo dục đạo đức cho HS-SV” của Bộ, chúng ta nên quyết liệt thay đổi cách dạy và đánh giá những môn học liên quan đến đạo đức. Bởi, như Einstein: “Giáo dục nhồi nhét tất yếu sẽ dẫn tới sự nông cạn và thiếu văn hóa”.
DƯƠNG THU TRANG, giáo viên văn, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6