Cuộc khảo sát trên 496 học sinh (HS) tại tám trường THCS và THPT ở TP Quy Nhơn (Bình Định) do ThS Đinh Anh Tuấn (ĐH Quy Nhơn) thực hiện gần đây cho biết có 66,3% HS từng bị bạn học nói xấu, đe dọa; 2,2% HS bị bạn dùng hung khí tấn công. Khi chứng kiến bạo lực học đường (BLHĐ), 53,5% HS tỏ ra bàng quan (30,9% HS chọn cách bỏ đi nơi khác, 22,6% HS đứng xem); chỉ 17,8% HS can thiệp nhưng ở mức độ vừa phải. Những số liệu trên được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn BLHĐ trong trường phổ thông” do Viện Nghiên cứu Giáo dục của ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 24-12.
Hình ảnh đẫm máu trở nên bình thường
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLHĐ, theo ThS Tuấn là do tác động từ các phim ảnh, game có tính chất bạo lực. Đáng nói là hơn 80% HS cho rằng BLHĐ xuất phát từ game online, phim ảnh. “Những hình ảnh đẫm máu trong game dần trở nên bình thường trong mắt HS. Các em dễ dàng bắt chước khi có tình huống xảy ra, vô cảm khi ra đòn với bạn bè; thậm chí nhiều em hô hào, cổ vũ, quay phim, chụp ảnh như đang xem một thú vui trên hè phố…” - ThS Tuấn lý giải.
TS Đỗ Hạnh Nga (Trưởng khoa Công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng môi trường học đường hiện nay có quá nhiều rủi ro. Các em dễ bị ảnh hưởng khi có sự tác động từ các yếu tố xấu bên ngoài nhà trường như dùng chất kích thích, lôi kéo tụ tập ăn chơi, nghiện game, sẵn sàng vi phạm pháp luật… “Các em đang tuổi phát triển nên tâm sinh lý còn phức tạp, nhiều em nhận thức không đúng về bản thân, tự đánh giá cao mình, cho mình là “đàn anh, đàn chị” để uy hiếp người yếu thế hơn” - TS Nga phân tích.
Bạo lực học đường là từ game online, phim ảnh. Ảnh cắt từ clip (nguồn INTERNET)
Góp một góc nhìn khác, giảng viên Trương Thanh Thúy (ĐH Sư phạm Huế) cho rằng cách ứng xử chưa phù hợp, thiếu chuẩn mực của giáo viên với HS dẫn đến tâm lý các em bị ức chế, thiếu tôn trọng người khác. “Có giáo viên khi gặp HS sai sót là quát: “Mi ngu vừa vừa thôi”. Có giáo viên phạt HS ngậm bút cả buổi học khiến nước dãi chảy đầy bàn. Đến khi ra chơi, em này bị các bạn trêu chọc thế là lao vào đánh nhau. Ở tuổi các em, tâm lý chưa ổn định nhưng phải đối diện với những hình phạt như thế khiến các em bột phát hành vi đánh nhau với bạn là điều khó tránh khỏi” - giảng viên này nói.
Giáo dục đạo đức bị hỏng
Bà Lê Thị Thảo (Trưởng phòng Công tác HSSV của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ sự đau lòng khi dẫn chứng hai vụ bạo lực trong HS dẫn đến hai em tử vong xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đáng chú ý có một HS mới học lớp 6 tử vong khi đánh nhau với một HS lớp 5. Việc trẻ hóa và mức độ nguy hiểm của tình trạng bạo lực khiến ngành giáo dục tỉnh này không khỏi bức xúc khi chưa có giải pháp cụ thể.
Bà Thảo cho biết vì là vùng núi xa xôi nên tình hình HS rất phức tạp. Nhiều giáo viên do nhà xa dạy xong là lo về, việc giáo dục lối sống HS giao cho ai làm thì làm.
Cũng theo bà Thảo, phía Bộ GD&ĐT cũng chưa thật sự coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho HSSV. Bộ liên tục tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo nhưng chủ yếu về chuyên môn như thi cử, phương pháp giảng dạy… còn giáo dục đạo đức lại bỏ ngỏ. Bộ cũng đã có quan tâm đến vấn đề tư vấn học đường nhưng chỉ chung chung. “Cả tỉnh chỉ có 10/987 trường có cán bộ tư vấn. Trường nào cũng muốn làm nhưng cơ sở vật chất không có, đội ngũ tuyển hoài không được thì làm sao thực hiện đây” - bà Thảo bức xúc.
Cùng chung nhận định này, ông Phạm Hữu Khương (Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận) cũng cho rằng hành vi bạo lực của HS ngoài nhà trường ngày càng nhiều là hệ quả từ giáo dục mà ra. Dường như giáo dục đạo đức trong trường đang bị hỏng ở đâu đó, nội dung ít, thời lượng hạn hẹp. “Cái mà HS phải đạt được khi còn ngồi trên ghế nhà trường không phải là văn hóa mà là đạo đức làm người nên phải đầu tư dạy người hơn” - ông Khương bày tỏ.
Cách khen thưởng, kỷ luật học sinh quá lạc hậu
Để góp phần hạn chế vấn nạn BLHĐ, ông Phạm Hữu Khương cho rằng phải đề cao vai trò của giáo viên. Chính giáo viên là người nắm bắt tâm tư, biến đổi của HS nhanh nhất để can thiệp và chia sẻ kịp thời. Vai trò của cha mẹ trong việc phối hợp với nhà trường giáo dục nhân cách cho con cái là rất cần thiết nhưng hiện còn hạn chế. Hầu như phụ huynh, nhất là những người có điều kiện, chỉ biết đóng tiền cho con học cả ngày ở trường là coi như xong. Họ không quan tâm con học cái gì và đang làm gì trong quá trình học.
Bàn về vấn đề này, ThS Nguyễn Minh (Trưởng phòng Công tác HSSV của Sở GD&ĐT TP.HCM) đề nghị Bộ ban hành văn bản mới về khen thưởng và kỷ luật HS phổ thông thay cho Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT (ban hành từ năm 1988) đã quá lạc hậu. Theo ông Minh, những quy định trong đó như phê bình dưới cờ; khi nào đuổi học HS một tuần, đuổi học một năm; cảnh cáo trước toàn trường, theo dõi vi phạm của HS… đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Ngoài ra, Bộ nên có định biên giáo viên tư vấn học đường ở các trường phổ thông.
Một số vụ BLHĐ gần đây - Ngày 9-11, một clip nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng YouTube gây bức xúc dư luận. Do ghen tuông, một nữ sinh đã dùng gậy phang vào đầu bạn nữ kia kèm theo những cú đấm đá, giật tóc. Trong clip, rất đông HS đứng theo dõi, chụp ảnh mà không có sự can ngăn nào. Được biết hai nữ sinh này đang học lớp 11 tại Trường THPT Bất Bạt (Hà Nội). Nhà trường đã xác minh, yêu cầu hai HS này viết kiểm điểm. - Sáng 3-11, tại Trường THCS Võ Thị Sáu (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), em LHĐ và em PCB (HS lớp 9D) xảy ra mâu thuẫn, xô xát. B. rút dao giấu trong cặp đâm Đ. một nhát vào cổ. Khi Đ. bỏ chạy, B. đuổi theo đâm thêm một nhát vào lưng. Đ. được nhà trường đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. - Cuối tháng 10-2014, tại Trường THCS Minh Khai (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), trong giờ giải lao, hai học sinh lớp 8 là LAT và TQA (cùng 13 tuổi) xảy ra mâu thuẫ. LAT rút dao thủ trong người đâm bạn trọng thương. - Ngày 1-4-2014, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip cảnh một nữ sinh bị nhóm bạn nữ đánh hội đồng dã man và lột nội y ngay giữa phố. Những nữ sinh này vẫn còn đang khoác trên mình bộ đồng phục. Vụ việc sau đó được xác minh đây là các nữ sinh Trường THPT Bãi Cháy (Quảng Ninh). Nguyên nhân của sự việc trên chỉ vì trêu chọc nhau. _____________________________________ 58,6% HS thú nhận có hành vi bạo lực do bị bạn bè nói xấu, xúc phạm; 34,3% HS từng bị bạn chửi mắng và sỉ nhục; 27,8% HS bị bạn đánh. Nữ sinh sử dụng bạo lực bằng ngôn ngữ chiếm 82,1%. Nam sinh chọn bạo lực bằng hành động chiếm 52,3%. Tình trạng xúc phạm nhau ở HS THCS cao hơn THPT, lần lượt là 71,8% và 51,7%. |