“Bạo lực học đường diễn biến ngày càng phức tạp”

Báo chí thời gian qua liên tục đăng tải những thông tin về thực trạng nam sinh, nữ sinh đánh nhau, có hành vi làm nhục tập thể rồi quay clip tung lên mạng. Mới nhất là vụ nữ sinh Phú Thọ bị đánh, bị lột áo, bắt quỳ trong nhà vệ sinh. Điều đáng nói, trong clip có không ít nữ sinh khác đứng xung quanh hò reo, cổ vũ… Sự việc này không chỉ khiến các bậc phụ huynh hoang mang, dư luận phẫn nộ mà còn khiến các cơ quan quản lý đau đầu về nhận thức của không ít bộ phận “lớp trẻ thời đại mới”.

“Bạo lực học đường diễn biến ngày càng phức tạp” ảnh 1

Clip nữ sinh Phú Thọ bị đánh, bị bắt quỳ trong nhà vệ sinh khiến dư luận phẫn nộ.
Vấn đề nhận thức lệch lạc của lớp trẻ, đạo đức bị xói mòn, xuống cấp… đã được các đại biểu Quốc hội chia sẻ và “truy cứu” trách nhiệm đến các “Tư lệnh” đầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch, lĩnh vực truyền thông, internet và giáo dục - đào tạo tại phiên chất vấn ngày 13/6. Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) giãi bày suy nghĩ: “Thực tế cho thấy, hiện nay một bộ phận không nhỏ lớp trẻ thích tạo cho mình một phong cách riêng không giống ai. Từ cách ăn mặc, đi đứng cho đến cách sử dụng ngôn từ trong giao tiếp hàng ngày để tự khẳng định mình là người của thời đại mới (thời đại @)). Việc lạm dụng ngôn ngữ phong cách xa lạ với truyền thông văn hóa dân tộc của lớp trẻ không chỉ khiến cho các em đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt, làm mất đi năng lực cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ văn hóa dân tộc mà còn đánh mất ý thức về tinh thần tự tôn, lòng tự hào của dân tộc mình”. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, không chỉ ăn mặc, đi đứng, sử dụng ngôn ngữ không giống ai, hiện nay không ít thanh thiếu niên đang chìm đắm trong thế giới ảo mà quên đi đời sống thực tại. Thực tế, xuất hiện nhiều hiện tượng như nghiện chat, nghiện game. Nhiều vụ lừa đảo trên intenet và trở thành tội phạm mạng. Về phía ngành giáo dục - đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận dù đã nỗ lực trong công tác giáo dục nhưng “tình trạng bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp, vấn đề đạo đức học sinh cũng có những diễn biến mới”. Ảnh hưởng từ phim ảnh, internet, văn hóa độc hại?Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, sự xâm nhập ngày càng nghiêm trọng của các sản phẩm văn hóa độc hại vào đời sống xã hội nước ta là một nguyên nhân nghiêm trọng gây hủy hoại đạo đức xã hội. Đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) và đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) lại nhắc đến văn hóa đọc lệch chuẩn trong giới trẻ như một cách gián tiếp khiến đạo đức, lối sống bị suy giảm. Cũng về vấn đề này, đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) lại đề cập đến thực trạng văn hóa ngoại lai như quảng cáo phim ảnh, sản phẩm nước ngoài… tác động tiêu cực đến việc bảo vệ, duy trì thuần phong mỹ tục Việt Nam.
“Bạo lực học đường diễn biến ngày càng phức tạp” ảnh 2

“Tình trạng bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp, vấn đề đạo đức học sinh cũng có những diễn biến mới”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cay đắng thừa nhận.
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng thừa nhận việc quản lý nội dung trên internet và ngăn chặn các cuộc xâm lược trái phép trên internet cũng như ngăn chặn các thông tin xấu, độc trên internet rất khó -  là một nhiệm vụ thường trực của Bộ Thông tin và truyền thông. “Chúng ta đã chứng kiến hình ảnh, nội dung, bài viết sai trái, hình ảnh trái đạo đức lối sống thuần phong mỹ tục Việt Nam được đăng tải trên các trang thông tin trên mạng internet”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định. Về phía ngành giáo dục - đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nêu những nguyên nhân cơ bản dẫn đến lối sống chưa chuẩn và tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng phức tạp. Theo ông, đặc điểm tâm lý lứa tuổi của các cháu còn nhỏ, đang giai đoạn hình thành, phát triển tâm lý và thể chất nên hiếu động luôn muốn thể hiện mình. Nguyên nhân thứ hai, liên quan đến sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường kéo theo những mặt tiêu cực tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ. Nguyên nhân thứ ba, những hành vi bạo lực xuất hiện nhiều trong đời sống xã hội, ngay trong gia đình, trong cộng đồng, xuất hiện tràn ngập trong phim ảnh, internet, sách báo cũng tạo nên những khó khăn trong việc mà chúng ta giải quyết bạo lực và giáo dục đạo đức cho các cháu. Về phía nhà trường và ngành giáo dục, phương pháp và nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên còn hạn chế. Việc phối kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý các cháu, đảm bảo môi trường an ninh cho các cháu học tập cũng như rèn luyện chưa được chặt chẽ… Các Bộ trưởng đưa ra giải phápBộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, trong thời gian tới sẽ siết chặt việc quản lý an toàn thông tin trên mạng, củng cố thiết bị, cơ sở vật chất nâng cao trình độ đội ngũ nguồn nhân lực để ngăn chặn những thông tin xấu độc, kể cả từ nước ngoài tấn công vào. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và truyền thông tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng dự án Luật An toàn Thông tin số… Về vấn đề giáo dục giới trẻ,  phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: “Bộ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã triển khai một chương trình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" và đến bây giờ chúng tôi đã bàn giao 7.000 di tích để cho các em ở các trường chăm nom, học tập, tìm hiểu. Tất cả các bảo tàng, các khu dích thì khi các em đến thăm quan đều tạo thuân lợi để cho các em tìm hiểu về di tích lịch sử của cha ông mình”.
“Bạo lực học đường diễn biến ngày càng phức tạp” ảnh 3
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định sẽ đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường.

Đang đau đầu trước vấn nạn bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng khẳng định đang tích cực thực hiện các giải pháp như: Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh và sinh viên; triển khai mạnh mẽ việc thanh kiểm tra, xử lý những vi phạm, tiêu cực, trục lợi trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và một bộ phận cán bộ quản lý giáo viên, để làm cho môi trường giáo dục trong lành, nơi hình thành nhân cách của các cháu được thuận lợi. Đồng thời với việc chỉ đạo đổi mới nội dung dạy, học và thi cử, ngành giáo dục - đào tạo đã chủ động tăng cường các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn tổ chức các hoạt động tập thể hình thành nhân cách, lối sống, thế giới quan, điển hình như hoạt động thanh niên tình nguyện. Ngoài ra, ngành giáo dục ký kết với Bộ Công an liên quan đến việc phòng, chống ma túy, đảm bảo an ninh trong nhà trường và đảm bảo an ninh trong môi trường nơi các cháu đi từ nhà đến các trường, lớp học, tránh bị bạo lực, các cháu đánh nhau, các cháu bị người khác đánh, bị trấn lột.
Theo Nguyễn Hằng (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm