WC ‘BOT’ của Hòn ngọc Viễn Đông xưa...

Nhà nào xây dựng cũng ráng có một cái WC trong nhà, dù nhỏ hay lớn, trát xi măng hay đá cẩm thạch. Nhiều khi ngồi suy nghĩ vớ vẩn chẳng biết cách đây vài chục năm cái khoản “nhất quận công” này được thực hành như thế nào.

Bỗng dưng vớ được bài viết của nhà văn Sơn Nam trên báo Nhân Loại vào khoảng năm 1958, cái thời mà Sài Gòn được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông. Hòn ngọc ở đâu chẳng biết nhưng trong bài viết của nhà văn, cái khoản “bụng dạ” thì vẫn như cảnh ở nông thôn. Người hưởng cái khoái thứ tư của cuộc sống thì đầu đội trời, chân ngồi chồm hổm mà nghe cá đớp ao bèo.

Trong bài “Cầu tiêu trên sông”, nhà văn Sơn Nam cho biết khổ chủ của những ngôi nhà thiếu tiện nghi thì tìm đến cầu tiêu công cộng để giải quyết nỗi buồn. Cầu tiêu công cộng vì là công cộng nên nó ở một địa điểm cố định, đâu phải ở gần nhà. Muốn đến tận nơi thì phải tốn chút ít thời gian mà bây giờ thì cứu bụng như cứu hỏa, cầu tiêu xa không thể cứu được cái bụng gần… ra. Thế là họ tìm đến kênh rạch như vùng đất thiên đường vì rất may thay ở ngoại ô Sài Gòn còn nhiều sông rạch bưng vì đất Sài Gòn nằm dài theo rạch Bến Nghé. Hai bên bờ Bến Nghé là những con rạch nhỏ mọc chi chít…”.

Những “cầu tõm” trên kênh rạch Sài Gòn hiện nay đã biến mất.

Trong bài viết tác giả nhắc đến một cái cầu công cộng ở khu vực cầu Chữ Y. Bây giờ, khi đi trên cây cầu này nhìn xuống thì ta thấy bốn bề thông thoáng, cảnh quan xinh đẹp dọc hai bên bờ sông. Chứ có biết đâu trước kia đây là chốn hoang vắng với những cái nhà thò ra thụt vào cho đến khi nào hết thò, hết thụt được thì thôi. Dọc con kênh này, có tư nhân đã bỏ tiền xây dựng một cái cầu công cộng, xéo nhà lồng chợ (?) chừng 10 thước. Người đi tìm sự thơ thới phải trả cho chủ nhơn hai cắc một lượt. Năm, bảy tháng sau chủ nhân tuyên bố là đã thu được đủ vốn rồi, tuyên bố hiến cái cầu cho mọi người, dù không có “đạn dược” vẫn có thể oanh kích tự do nếu như chỗ ngồi còn trống.

Xin hãy đọc một đoạn do Sơn Nam tả cảnh, tả tình về cầu tiêu trên sông như sau: “Trời tờ mờ sáng, hàng chục người gồm đủ nam phụ lão ấu đến chầu chực thay phiên ra vào. Đường đi xuống cầu nghiễm nhiên trở thành một cái bến xe: xích lô đạp, xích lô máy, xe ba bánh, xe taxi, xe máy… Hồi nào đến giờ dường như chưa xảy ra vụ trộm cắp nào. Các chủ nhân đã khóa xe cẩn thận và tuy ngồi bên dưới vẫn tìm cách ngóng lên canh chừng. Nắng lên cao. Người dưới cầu ngày càng thưa thớt. Phải đợi đến giờ trưa người ta ra vào mới tấp nập như cũ và có lẽ đông đảo hơn. Dưới ánh mặt trời gay gắt, thiên hạ không nhìn nhau. Chán chường quá. Và gặp nhau tại đây dầu là người quen thân đi nữa cũng không phải là một cái hân hạnh gì cho cuộc sống. Họ cúi đầu, hút thuốc, bước vào cho thật nhanh để nhường chỗ cho kẻ đến sau. Trời tối, nhứt là những buổi tối có trăng, cái cầu nọ trở nên náo nhiệt. Trong bóng tối, vài đốm lửa chập chờn, những điếu thuốc đang cháy. Và những câu chuyện qua lại…”.

Những hình ảnh mà nhà văn vẽ lên không chỉ khu biệt bên con kênh đoạn gần cầu Chữ Y - đơn giản vì có một thời gian ông đã trú ngụ nơi đây khi vừa lên Sài Gòn. Có lẽ ngoài ông còn một nhà văn nữa là nhà văn Nguyễn Thụy Long trong Xóm nước đen đã viết về một loại cầu cần thiết cho người lao động sống ở những khu bùn lầy nước đọng trong cái gọi là TP ngọc ngà. Có thể nói là nhan nhản những loại cầu công cộng dọc các con kênh như Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Cầu Kho, Rạch Bần cho cái thứ “trong cơn lộn xộn ló đầu ra” (Học Lạc)… Chánh phủ chưa giải quyết được nhu cầu cho dân thì dân tự giải quyết.

Ngày nay hình ảnh những loại cầu mà chủ nhơn vừa thả bom trong người vừa tranh luận về quả bom thả xuống Hiroshima, tình hình thế giới Nga-Mỹ dọc kênh Nhiêu Lộc, khu Nhà đèn Chợ Quán, cầu Chữ Y, rạch Hàng Bàng… không còn nữa. Người dân bây giờ, với điều kiện kinh tế dù có khó khăn cách mấy thì căn nhà phải có ít nhất một cái nhà vệ sinh để chui ra chui vào. Điều này không có nghĩa là loại cầu này đã biến mất. Trong TP vẫn còn nhiều khu xóm lao động nghèo sống trên những con rạch nước đen đang chờ giải tỏa vẫn còn sử dụng các loại cầu kiểu ấy, nhất là nông thôn miền Nam nơi dập dìu sông nước…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm