Điểm danh những ‘điểm mờ’ làm nảy sinh nghịch lý siêu đô thị
Bốn bài viết về “Nghịch lý siêu đô thị” (xem Pháp Luật TP.HCM từ số ra ngày 10-4) cho ta thấy một bức tranh có độ tương phản rất cao về nghịch lý đô thị. Vậy những nghịch lý ấy có liên quan gì đến những “điểm mờ” trong quy hoạch?
Nặng kỹ thuật, nhẹ xã hội
Sự phát triển của một TP không giống như một khu rừng tự nhiên mà là sản phẩm của thiên nhiên và kết quả lao động của nhiều thế hệ nối tiếp nhau xây đắp nên không thể thiếu yếu tố quy hoạch của con người.
Sài Gòn là TP đã hơn 300 năm tuổi và đã trải qua nhiều hoàn cảnh lịch sử khác nhau: Từ đô thị phong kiến thời nhà Nguyễn (1698-1862) đến đô thị thuộc địa thời thực dân (1862-1945), đô thị bị tạm chiếm thời kháng Pháp (1945-1954), đô thị tạm chiếm thời chống Mỹ (1955-1975), đô thị hòa bình thời bao cấp (1975-1986) và ngày nay là đô thị thời mở cửa đổi mới (1986-2017). Quá trình phát triển ấy luôn song hành hai yếu tố: Kế thừa và đổi mới. Nhưng kế thừa cái gì và đổi mới ra sao lại tùy thuộc vào tầm nhìn quy hoạch của mỗi thời kỳ.
Bài viết này không trình bày lại từng thời kỳ phát triển của TP mà chỉ đi sâu phân tích yếu tố quy hoạch từ thời kỳ đổi mới, vì nó có liên quan trực tiếp đến những nghịch lý còn tồn tại đến ngày nay. Do đó, trước hết cần tìm hiểu quan niệm về quy hoạch đô thị hiện đại. Có thể nói đó là một khoa học tổng hợp gồm cả khoa học tự nhiên (như địa lý, kiến trúc, xây dựng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, môi trường cảnh quan…) và khoa học xã hội (như dân số, mật độ, kinh tế, cấu trúc xã hội, tâm lý…). Nói cách khác, cơ sở hạ tầng là cái vỏ của đô thị, quan hệ xã hội mới là phần nội dung và chất lượng của TP.
Thế nhưng từ rất lâu nay, dường như quan niệm về quy hoạch đô thị ở nước ta chỉ nặng về phần hạ tầng kỹ thuật mà nhẹ về mảng khoa học xã hội. Bằng chứng là công tác quy hoạch đô thị chỉ giao cho ngành kiến trúc, hầu như không có thành phần của các ngành khoa học khác, nhất là vắng bóng các ngành khoa học xã hội. Có lẽ chính những điểm mờ về quy hoạch ấy là nơi sinh ra những nghịch lý.
Trong nhà không đủ chỗ, người dân Mả Lạng, quận 1, TP.HCM phải rửa chén, nấu nướng và để xe bên ngoài. Ảnh: VIỆT HOA
Những điểm mờ quy hoạch
Nhận xét này có thể được chứng minh từ những sự việc thực tế:
• Cao ốc và khu ổ chuột: Cao ốc là thành quả của ngành kiến trúc nhưng sự tồn tại của những khu ổ chuột không phải do không biết thiết kế những khu dân cư mà phần lớn lại do quy hoạch phát triển chưa cân đối được các ngành kinh tế với tình trạng tăng dân số cơ học. Cùng đó, chưa điều hòa hợp lý lợi ích giữa các nhóm xã hội - những nhóm được hưởng lợi nhiều nhất đã giàu lên nhanh chóng, họ thụ hưởng những khu cao ốc sang trọng trong khi dân số cơ học tăng rất nhanh nên những nhóm yếu thế nhất không đủ sức cạnh tranh để thoát khỏi những khu ổ chuột. Như vậy, điểm mờ về quy hoạch dân số và phát triển kinh tế là nguyên nhân chính tạo ra nghịch lý này.
• Đường cao tốc, cầu hiện đại và bến đò ngang: Không phải vì thiếu trình độ kỹ thuật xây cầu mà vì thiếu ngân sách để thực hiện. Sự thiếu hụt này một phần do tầm nhìn quy hoạch giao thông nhưng phần lớn lại do điểm mờ về quy hoạch dân số. Quy hoạch giao thông dù làm thật tốt nhưng vì quỹ đất nội đô còn quá ít trong khi dân số tăng quá nhanh, kéo theo số lượng phương tiện giao thông quá nhiều tạo ra tình trạng ùn tắc, quá tải, buộc ngành chức năng phải tập trung nguồn lực để giải quyết nhiều điểm nóng nên không thể đủ kinh phí làm những cây cầu thay thế cho bến đò ngang. Mặt khác, khi dân số quá đông thì những bến đò trở nên chật hẹp, những con đò trở nên nhỏ bé. Phải chăng cũng chính điểm mờ về quy hoạch dân số và sự dồn nén quá nhiều người vào nội thành đã tạo ra những bến đò ngang ở các quận ven và cả giữa lòng TP.
• Nghèo đói trên đống vàng: Sài Gòn - TP.HCM là vùng có giá đất đai, bất động sản cao vào bậc nhất trong cả nước. Do đó việc có những mảnh đất bỏ hoang hàng chục năm thì chắc chắn không phải vì chủ nhân của nó thích sống nghèo nàn mà vì họ phải ở trong vùng “quy hoạch treo”. Quy hoạch phát triển đương nhiên phải có cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để sử dụng đất hợp lý… Nhưng tình trạng “treo vô hạn” chứng tỏ có một điểm mờ trong tầm nhìn quy hoạch nên mới có nghịch lý nhiều đất mà vẫn nghèo.
• Khách sạn năm sao, nhà hàng sang trọng và... cầu tõm: Nghịch lý này không hoàn toàn do trách nhiệm của ngành vệ sinh dịch tễ và ngành môi trường mà cũng bắt nguồn từ những điểm mờ trong quy hoạch về dân số, mật độ, phát triển các ngành kinh tế và điều hòa lợi ích an sinh xã hội như với nghịch lý về khu ổ chuột và cao ốc hiện đại.
Quy hoạch theo quy trình ngược Nhìn lại bức tranh nghịch lý Sài Gòn, có thể nhận ra rõ hơn những điểm mờ trong quy hoạch đô thị hiện đại ở TP.HCM: Thứ nhất là trong quy hoạch tổng thể, hàm lượng khoa học xã hội khá mờ nhạt - chủ yếu là các bản vẽ của ngành kiến trúc về sử dụng không gian đô thị. Thứ hai là làm quy hoạch theo một quy trình ngược (quy hoạch chi tiết làm trước, quy hoạch tổng thể TP làm sau). Thứ ba là coi nhẹ yếu tố dân số và mật độ, thậm chí còn cho rằng dân số đông là một tiêu chí của TP hiện đại. Từ bức tranh nghịch lý Sài Gòn có thể rút ra vấn đề cơ bản là: Trong quy hoạch đô thị cần đặt dân số và mật độ là “mẫu số chung” cho tất cả các mặt của đời sống đô thị. Thực tế trên thế giới cho thấy những “siêu đô thị” về dân số (trên 15 triệu người) đều rơi vào tình trạng quá tải toàn diện (giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, an ninh trật tự…) nên ngày nay đang theo xu hướng hình thành những tuyến đô thị vừa và nhỏ có khả năng phát triển độc lập. Đó là giải pháp cơ bản xóa bỏ dần các nghịch lý đô thị. |