Cảnh xếp hàng chờ đò, chờ phà để qua sông đi học, đi làm dễ khiến người ta liên tưởng đến những khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi kinh tế khó khăn… Thế mà đây là cảnh thường ngày vẫn diễn ra tại nhiều quận, huyện của TP.HCM như quận 8, 12, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Thạnh, Gò Vấp, Cần Giờ…
Qua sông phải “lụy đò”
Sông Vàm Thuật chia cắt người dân ở hai phường An Phú Đông (quận 12) và phường 5 (quận Gò Vấp). Sông có chiều rộng khoảng 100 m, từ bao đời nay người dân hai bên bờ sông Vàm Thuật vẫn phải qua sông bằng đò ngang.
Bà Hồ Thị Hương, đường Vườn Lài, khu phố 2, phường An Phú Đông, cho biết gia đình bà sống ở đây hơn 20 năm nay. Gia đình bà dọn đến ở thì bến đò này đã có từ lâu. Nó trở thành phương tiện giúp gia đình bà vào trung tâm TP nhanh nhất. Dù phải tốn khá nhiều tiền nhưng cả nhà bà đều phải lựa chọn phương tiện này qua sông vì gần như không có phương án nào tốt hơn.
“Mỗi ngày tôi phải qua ít nhất là hai lượt để đưa đón cháu đi học. Bốn đứa con ngày nào cũng phải đi làm qua đây. Tính ra cả gia đình hằng tháng tốn không dưới 600.000 đồng chỉ để qua đò. Vậy nhưng không có nó thì cũng rất gay go. Bến đò chỉ hoạt động từ 3 giờ 30 đến 23 giờ 30. Nếu ngày nào con tôi tăng ca về muộn thì phải đi vòng ra quốc lộ 1A mới về được nhà. Vừa xa hơn đi đò 10 cây số vừa tốn xăng nữa” - bà Hương kể.
Tại kênh Cây Khô, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, bến đò chỉ hoạt động từ 6 giờ đến 19 giờ nên người dân hai bên bờ phải hết sức khẩn trương nếu không muốn phải đi đường vòng về nhà.
Bà Trần Thị Cóc, số 129/4 Bờ Tây, xã Phước Lộc, cho biết phía bên này sông, nơi gia đình bà sinh sống không có trường cấp I nên mấy đứa cháu của bà phải sang bờ bên kia đi học.
“Tôi không biết bơi, lại say sóng, mỗi lần qua sông rất sợ. Nhưng các cháu còn nhỏ quá, không tự đi học một mình được nên tôi phải đưa đón. Gian nan hơn là mấy đứa con tôi, buổi sáng chúng đi làm phải dậy sớm để kịp chuyến đò. Lúc về thì tranh thủ lắm mới kịp đò, nếu quá giờ chúng phải đi vòng rất xa” - bà Cóc chia sẻ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại những bến phà lớn như Cát Lái (quận 2) và Bình Khánh (Nhà Bè), hằng ngày phà phải chở hàng chục ngàn lượt khách, người dân muốn qua bên kia sông còn phải chờ đợi lâu hơn. Đó là chưa kể những ngày lễ Tết, tình trạng kẹt phà xảy ra thường xuyên.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong, phụ trách bến phà Cát Lái, thông tin phà hoạt động 24/24 giờ, mỗi ngày đưa đón hơn 53.000 lượt khách và phương tiện.
Từ bao đời nay, người dân hai bên bờ sông Vàm Thuật vẫn phải qua sông bằng đò tại bến An Phú Đông. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Người dân hai bên dòng kênh Cây Khô, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè đi đò qua sông để đi làm, đi học... Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Giấc mơ về những cây cầu
Có thâm niên 20 năm lái đò trên sông Vàm Thuật, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết bến đò An Phú Đông giống con đường huyết mạch đưa người dân từ quận 12 đến trung tâm TP nên lượt người qua lại rất đông. Mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt khách, trong đó 20% là học sinh (đối tượng này được miễn phí).
Ông Tuấn chia sẻ gần như ông nhớ mặt thuộc tên hết những vị khách của mình. Dù đò chỉ hoạt động đến 23 giờ 30 nhưng lúc nào ông cũng bố trí người trực để hỗ trợ người dân trong những trường hợp khẩn cấp như sinh đẻ, ốm đau bệnh tật…
Ông Tuấn nói hầu như tháng nào ông cũng chở bà bầu qua sông để đến bệnh viện sinh nở. “Cách đây hơn một tháng, một bà bầu ở đường Vườn Lài (gần bến đò) chuyển dạ lúc 2 giờ sáng. Anh chồng chở vợ đến khi chúng tôi đã đóng cửa đi ngủ từ rất lâu nhưng tình thế khẩn cấp, tôi kêu người trực dậy chở vợ chồng chị qua sông. Mấy ngày sau, anh chồng gặp tôi cám ơn rối rít và cho biết hôm đó vợ anh vừa đến bệnh viện là sinh ngay. Nếu đi vòng ra quốc lộ 1A thì chắc vợ sinh rớt giữa đường” - ông Tuấn vui vẻ kể.
Chúng tôi nói về mơ ước của người dân về những cây cầu và hỏi ông Tuấn: “Nếu có cầu nối hai bên bờ sông cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ phải thất nghiệp thì ông có buồn không?”.
Ông Tuấn nói: “Việc xây cầu là mong mỏi của rất nhiều người dân nơi đây. Nói không buồn thì không đúng bởi công việc chạy phà này đã nuôi sống gia đình tôi bao nhiêu năm rồi nhưng mình cũng không thể đi ngược lại sự phát triển”.
Không thể đưa đò 24/24 giờ Đò của tôi hoạt động đến nay cũng hơn 16 năm. Trước đây, người dân trong khu vực này muốn đi qua xã phải tự lấy xuồng chèo qua hoặc đi vòng gần 10 km. Có đò của tôi, mọi người đi lại đỡ vất vả hơn. Nhưng nếu người đi làm hay học sinh đi học thêm về trễ thì phải đi vòng chứ đò tôi không thể hoạt động muộn hơn, ngoại trừ có người bị bệnh đau. Biết rằng không có đò thì người dân sẽ bất tiện nhưng phải chịu thôi. Bà DƯƠNG THỊ LỆ, chủ bến đò tại ấp 4, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM Sẽ phải đặt ra lộ trình xóa bến đò Đặc thù của TP.HCM là một đô thị sông nước. Ngoài hai bến phà lớn là Cát Lái và Bình Khánh, toàn TP có 30 bến khách ngang sông (hay theo cách gọi dân dã là bến đò). Các bến tập trung tại các quận/huyện 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ. Trong đó, một số quận/huyện có nhiều bến đò như Củ Chi (bảy bến), Nhà Bè, quận 8 (sáu bến). Các bến khách ngang sông này đều được Sở GTVT cấp phép hoạt động và hiện Sở GTVT đang tiến hành đầu tư nâng cấp nhiều bến đò để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay mức độ an toàn của tất cả bến này đều được kiểm soát tối đa. Tuy so với cầu thì không thể nào thuận lợi trong việc lưu thông nhưng những bến này cũng đang được nâng cấp để người dân đi lại thuận lợi hơn. Về kế hoạch xóa các bến khách ngang sông, bến Bình Quới (nối giữa phường 28, quận Bình Thạnh với phường Linh Đông, quận Thủ Đức) đã có các nhà đầu tư quan tâm đề xuất xây dựng cầu theo hình thức đối tác công tư. Tuy nhiên, cũng mới chỉ ở bước đề xuất dự án. 30 bến còn lại hiện vẫn chưa có dự án làm cầu thay thế. Trong quy hoạch về mạng lưới đường thủy và cảng bến TP.HCM giai đoạn đến năm 2020 được phê duyệt từ năm 2009 không đặt ra lộ trình làm cầu để thay thế các bến khách này. Hiện nay chúng tôi đang rà soát để bổ sung vào quy hoạch trong thời gian tới. Về lâu về dài thì phải có cầu thay thế các bến đò/phà, tuy nhiên lộ trình đầu tư thì sẽ ưu tiên chọn các bến có lưu lượng khách lớn để làm trước. Ngoài ra, một số bến chỉ có vài chục khách mỗi ngày thì khó để xem xét làm cầu. Ông PHAN CÔNG BẰNG, Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy, Sở GTVT TP.HCM |