Xa bệnh viện dã chiến rồi, mãi nhớ...

Họ là những bác sĩ trẻ của Bệnh viện da liễu TP.HCM, một bệnh viện chuyên khoa của TP. Và, trong cuộc chiến chống COVID-19 đầy cam go, như bao đồng nghiệp ở TP này, họ sẵn sàng lao vào điểm nóng COVID, đồng hành cùng ngành y tế TP chăm lo, cứu chữa bệnh nhân COVID-19. Lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine và sau đó là xây dựng BV dã chiến số 12 (phường An Khánh, TP Thủ Đức), giữa lúc dịch bệnh bùng phát dữ dội.
Giờ đây, trở về với nhiệm vụ thường ngày của một bác sỹ chuyên ngành, bác sĩ Nguyễn Duy Quân, khoa Thẩm mỹ Da - BV Da liễu TP.HCM mới có dịp nhìn lại hành trình 3 tháng đầy cam go, thử thách của mình và đồng nghiệp.
PLO xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của bác sĩ Nguyễn Duy Quân.
Chúng tôi nhận nhiệm vụ đến để xây dựng một bệnh viện dã chiến mới vào những ngày giữa tháng 7. Đó là một chung cư với 6 tòa nhà, có tòa mười mấy tầng, có tòa hai mươi mấy tầng.
Chỉ có vài chục con người trong 2 ngày phải hoàn thiện mọi quy trình để đón nhận mấy ngàn bệnh nhân. Nói thiệt là thiết kế của chung cư rất khó để biến nó thành một cái bệnh viện với quy trình kiểm soát lây nhiễm nghiêm ngặt.
Tôi nhớ mấy ngày đầu, anh em thức đến 2-3h khuya để ngồi thiết lập đường đi cho bệnh nhân, đường đi cho nhân viên y tế sao cho an toàn.
Lần đầu tiên nhận bệnh trong bộ đồ bảo hộ, ai cũng muốn gục ngã dưới cái nắng 1 giờ trưa tháng 7, nhưng riết rồi cũng quen.
Bệnh mấy trăm, rồi mấy ngàn, phòng cấp cứu từ 1-2 bệnh, rồi có khi cao điểm tới 40-50 bệnh. Có giai đoạn hai ba ngày liên tiếp, đêm nào cũng bị dựng đầu dậy để gọi điện chuyển viện những ca nặng.
Ông kia qua bệnh viện nọ mất rồi, bà này qua bệnh viện kia nay khỏe, thở oxy râu luôn rồi - những tin tức được mấy em điều dưỡng cập nhật.
Tôi cũng nhớ những ngày chung cư cúp nước từ sáng đến chiều, những buổi sáng ăn hộp bún bò thịt heo lạt phèo, những buổi chiều được chở ra siêu thị tiện lợi, tranh thủ mua kem cá. Cũng nhớ mấy ly trà sữa người ta tặng, nhớ trong cái hồ có hai con rắn nước ngày nào cũng ló đầu ra khỏi hang...
Nhớ những người chưa từng biết mặt, vẫn chạy đôn chạy đáo lo từng bình oxy, cái gối, cái xe lăn cho bệnh nhân, rồi lo đến cả những trái chanh, cọng hành, củ tỏi... cho nhân viên y tế.
Nhớ những bệnh nhân lén trốn viện, nhớ mấy bà nhõng nhẽo gọi điện suốt ngày đêm. Nhớ bà F0 bán chè ở chợ Thái Bình, bà nhắn sau dịch nhớ ghé bà ăn...
***
Tôi trở về vào những ngày giữa tháng 9, khi tình hình dịch bệnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; khi hệ thống oxy lỏng đã được lắp xong; khi cái chỗ tôi phơi nắng nhận bệnh nay đã có mái che. Khi đa phần bệnh nhân đến đã được chích ngừa một mũi, khi mà thuốc điều trị đã không chỉ là giảm ho giảm sốt, mà còn có cả kháng virus xịn xò, khi Sài Gòn đã rục rịch mở cửa.
Mỗi giai đoạn đều có những khó khăn riêng nhưng với tôi mỗi khi nhìn lại, chắc nhớ nhất vẫn là những thuở đầu cơ cực...
Mới đó mà đã 3 tháng. Sẽ nhớ mãi những tháng năm chúng tôi quên mình để làm những chuyện chưa bao giờ nghĩ đến...

Bác sĩ Nguyễn Duy Quân cùng đồng nghiệp trong một ca trực chung 

Xa bệnh viện dã chiến rồi, mãi nhớ... ảnh 3

Phút thư giãn bên các đồng đội 

Xa bệnh viện dã chiến rồi, mãi nhớ... ảnh 5

Kiểu tóc cũng phải thay đổi theo thời gian ở BV dã chiến... 

Món quà bao dễ thương tiếp thêm sức mạnh cho các y bác sỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm