10 năm trước, sáng sớm 26-9-2007, tại gói thầu số 2 công trình xây dựng cầu Cần Thơ bất ngờ sự cố xảy ra. Hai nhịp dẫn (dài khoảng 87 m, rộng 24 m, cao 30 m) giữa ba trụ cầu đang được xây dựng bất ngờ đổ sụp, kéo theo giàn giáo cùng nhiều công nhân, kỹ sư, bảo vệ công trình đang làm việc xuống đất.
Vụ tai nạn khiến 55 người tử vong, 80 người bị thương. Trong tổng số 55 người tử vong có đến 34 người ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long…
“Làng chết chóc” bước qua đau thương
Những ngày giữa tháng 9, sau 10 năm ngày xảy ra thảm nạn, chúng tôi trở lại Mỹ Hòa. Cầu Cần Thơ nằm đó vươn cao vững chắc, là thành quả từ mồ hôi, công sức của các công nhân trong suốt 2.000 ngày lao động và một phần máu thịt của những người đã nằm xuống.
Vòng qua phía dưới cầu, tôi ghé Bồ Đề Cổ Tự. Đây là nơi đặt tấm bia tưởng niệm các nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Tấm bia lớn viền đỏ nền đen khắc tên 55 người đã tử nạn. Đã 10 năm từ khi tai nạn thảm khốc xảy ra, nỗi đau vẫn còn đó nhưng người dân nơi đây đã biến những nỗi đau ấy thành động lực vươn lên.
“Làng chết chóc” năm nào giờ tràn trề sức sống. Chúng tôi ghé nhà bà Lê Thị Dợn (55 tuổi) có chồng là ông Nguyễn Văn Sớt tử vong trong vụ sập cầu. Vừa mới trở về từ bệnh viện vì căn bệnh đau tim, bà Dợn cho biết sự việc xảy ra cách đây 10 năm nhưng mỗi lần nhớ đến là tim bà lại đau nhói. Theo bà Dợn, vì trả nợ tiền xây nhà nên chồng mới đi làm công nhân nhưng mới làm được một tháng thì tai nạn xảy ra.
Thời điểm này đứa con gái Nguyễn Thanh Loan đang học năm nhất ĐH Cần Thơ, còn đứa con gái út Nguyễn Thanh Tiền chỉ mới vào mẫu giáo. Trụ cột gia đình không còn, một mình bà bươn chải nuôi con, dù vất vả thế nào cũng quyết không để con dang dở việc học. “Ổng mất nhưng nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, hai chị em nó có cái sổ tiết kiệm kha khá nên con Loan không phải nghỉ học. Nó ra trường rồi đi làm ở ngân hàng bên Cần Thơ, cũng chồng con rồi. Còn con út thì đang học lớp 11” - bà Dợn chia sẻ.
Phạm Thị Ngọc Hân cùng ông bà xúc động khi nhắc lại quá khứ 10 năm trước. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Cùng cảnh mất chồng với bà Dợn, một mình gồng gánh tất cả nhưng chị Hà Thị Kiều Vân vẫn cố gắng nuôi dạy con gái Lê Thị Anh Thư ăn học đến nơi đến chốn. Ngày chồng mất Thư chỉ đang học mẫu giáo và giờ cô bé đã là nữ sinh lớp 10 Trường THPT Bình Minh. Nhờ vào số tiền bồi thường và hỗ trợ, chị mua hai công đất trồng bưởi, tích góp dần dần, chị mở thêm cửa hàng mua bán cạnh UBND xã, tạo thu nhập cho hai mẹ con. “Còn số tiền từ sổ tiết kiệm thì chỉ để dùng lo cho con ăn học để không có lỗi với người đã mất và phần nào xoa dịu cảnh mẹ góa con côi” - chị Kiều Vân tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, cho biết: “Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng bưởi. Trước thời điểm vụ tai nạn xảy ra kinh tế chỉ phát triển ở mức trung nhưng vài năm đổ lại đây kinh tế địa phương phát triển cao do giá bưởi tăng. Đời sống người dân được nâng cao hơn nhiều, thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của bà con, xã cũng thường xuyên quan tâm giúp đỡ, tích cực vận động người dân lo chí thú làm ăn. Một tin mừng là xã Mỹ Hòa giờ đã đạt danh hiệu nông thôn mới”.
Những đứa trẻ lớn lên từ sự cố
Theo ông Huỳnh Minh Thiệt, Chủ tịch UBMTTQ VN xã Mỹ Hòa, xã có khoảng 70 em học sinh có thân nhân là nạn nhân trong vụ tai nạn. Trong đó nhiều em đã vượt qua nỗi đau, cố gắng học tập thành tài, phục vụ quê hương.
Điển hình là trường hợp của Lê Quang Tình (31 tuổi, ngụ xã Thành Lợi, thị xã Bình Minh) đang công tác tại UBND xã Thành Lợi. Tình là con của ông Lê Văn Thạnh, bị tử nạn ngay trong ngày đi làm đầu tiên. Còn Tình khi ấy đang là sinh viên năm thứ hai trường trung cấp. Cha mất, Tình nhận được sổ tiết kiệm hỗ trợ đối với hoàn cảnh có người thân tử nạn. Số tiền không là bao nhưng nó phần nào giúp Tình trang trải việc học tập. Tốt nghiệp ra trường, Tình trở về phục vụ quê hương nơi cha mình đã có công xây dựng. Tại UBND xã Thành Lợi, Tình được phân công làm trưởng ban Nhân dân kiêm bí thư chi bộ của ấp Thành Đức.
Dự án cầu Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến là 15,85 km. Cầu bắc qua sông Hậu, nối liền quận Cái Răng, TP Cần Thơ và thị xã Bình Minh, thị xã Vĩnh Long. Dự án có tổng mức đầu tư 295 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi đặc biệt của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng vào ngày 25-9-2004. Ban đầu cầu Cần Thơ được dự kiến khánh thành vào ngày 14-12-2008. Tuy nhiên, vì xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào ngày 26-9-2007 nên cầu Cần Thơ được khánh thành vào ngày 24-4-2010. |
Một trường hợp khác khá thương tâm là hai chị em Phạm Thị Ngọc Hân và Phạm Thị Ngọc Trân - con nạn nhân Phạm Thanh Hùng. Khi cha mất, Hân đang học lớp 7, còn em gái mới học mẫu giáo. Nỗi đau chưa vơi thì mẹ của Hân cũng qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo sau đó. Cùng lúc mồ côi cả cha lẫn mẹ, hai chị em Hân phải về nương tựa ông bà ngoại.
Như bao đứa trẻ mất cha khác, chị em Hân cũng có sổ tiết kiệm nhưng chẳng thấm vào đâu. Có lúc tưởng con đường học vấn của hai chị em phải dừng lại vì một phần tiền đã dùng để lo trị bệnh cho mẹ trước đó. Nhưng bằng sự ý chí, nghị lực của bản thân, Hân giành được suất học bổng toàn phần của Vinamilk và tiếp tục con đường học vấn của mình.
Vừa trở lại nhà từ Phú Quốc, Hân cho biết hiện mình đang làm việc trong khách sạn Vinpearl, thu nhập ổn định, còn em gái đang học lớp 11. “Bây giờ em có công việc ổn định và đủ khả năng để lo cho em. Số tiền còn trong sổ tiết kiệm em sẽ giữ lại như là kỷ niệm của cha mẹ để hai chị em tiếp tục phấn đấu” - Hân tâm sự. Nhìn hai đứa cháu gái ngoan ngoãn, ăn học thành tài, ông bà ngoại Hân không khỏi tự hào và cảm thấy an ủi trước vong linh con.
Tưởng niệm các nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ Chiều 23-9, đoàn kỹ sư người Việt Nam đã đến chùa Bồ Đề để thắp hương tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ 10 năm trước. Ông Nguyễn Vũ Long, trưởng đoàn, cho biết từ sau vụ sập cầu đến nay, năm nào các kỹ sư phụ trách tại công trình cầu Cần Thơ đều hẹn nhau đến chùa để thắp hương tưởng niệm. Trước bia tưởng niệm 55 nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, đoàn kỹ sư bày tỏ lòng tri ân đến các công nhân đã góp một phần công sức, sinh mạng vào việc hoàn thành cây cầu to đẹp như ngày hôm nay, đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL. |