Bí thư Quảng Bình: “Cán bộ ép dân đóng tiền sẽ bị xử lý”

Trong quá trình thực hiện, người dân phải đóng góp hộ thấp nhất 1,6 triệu đồng đến cao nhất 11,6 triệu đồng và đây là nguồn tài chính nặng nề với người dân.

Với cách làm “cào bằng”, không phân biệt hộ nghèo, cận nghèo… nên có người phải cắm sổ đỏ, vay mượn ngân hàng, bán lúa non, thậm chí có người phải bán cả chó để góp tiền xây dựng đường giao thông nông thôn… Lãnh đạo huyện này thừa nhận có hiện tượng trên nhưng là cá biệt.

Sẽ xử lý cán bộ làm sai

Chiều 20-9, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Lương Ngọc Bính - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình khẳng định: “Việc đóng góp làm đường nông thôn mới dựa trên cơ sở tự nguyện. Tỉnh không có chủ trương hay quy định nào ép buộc người dân phải đóng cụ thể bao nhiêu. Nếu địa phương làm như vậy là sai. Tôi đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh và các ban ngành liên quan làm việc với huyện, xã để xảy ra việc đóng góp gây khó khăn, lo lắng cho người dân. Sau khi rà soát, nếu địa phương nào sai thì phải khắc phục và cán bộ ép dân đóng góp sẽ bị xử lý trách nhiệm”.

Bí thư Quảng Bình: “Cán bộ ép dân đóng tiền sẽ bị xử lý” ảnh 1

Nhiều người nghèo ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy phải vay nợ, bán lúa non để làm đường bê tông. Ảnh: MQ

Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thanh Ngọc, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình, cho là không biết sự việc trên. Ông Ngọc cũng giải thích: Người dân nộp tiền là tự nguyện và không có chỉ đạo nào về chỉ tiêu phải nộp bao nhiêu từ trung ương hoặc tỉnh. “Với thông tin của báo, chúng tôi sẽ gọi điện thoại về huyện Lệ Thủy yêu cầu huyện kiểm tra rõ sự việc”.

Còn ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch MTTQ VN tỉnh Quảng Bình, nói: “Người dân Quảng Bình rất nhiệt tình trong việc hiến đất, tiền, ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, cấp cơ sở có những khiếm khuyết nên cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể về hộ nghèo, cận nghèo. Có thể linh động cho họ đóng góp bằng ngày công làm đường chứ đừng để việc đóng góp là gánh nặng phải vay mượn, cắm sổ đỏ nộp tiền…”.

Huyện Lệ Thủy cũng đã triển khai đoàn kiểm tra về làm việc với xã Phong Thủy. Huyện sẽ rà soát lại quy trình thực hiện tại các địa phương trong huyện để lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.

"Mắc nợ vì làm đường là có lỗi với dân"

Cũng đang trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, huyện Quảng Ninh (láng giềng huyện Lệ Thủy) có cách làm khác. Huyện cũng giao ước thi đua giữa các xã về xây dựng nông thôn mới nhưng để dân tự thống nhất mức đóng góp để phát huy dân chủ. Mức đóng góp có thể bằng tiền hoặc đóng góp bằng ngày công xây dựng. Một lãnh đạo huyện Quảng Ninh nói: “Việc xây dựng nông thôn mới là đúng, cần thiết, trong đó có sự đóng góp của dân. Tuy nhiên, khi thực hiện phải biết lượng sức dân, có lợi cho dân. Để dân mắc nợ vì đường sá nông thôn là có lỗi với người dân”.

Một lãnh đạo xã của huyện Quảng Ninh thông tin: “Xã của tôi đang xây dựng nông thôn mới nhưng không theo phong trào, không lấy thành tích làm thước đo mà nhìn vào cuộc sống thực chất của người dân để huy động, vận động đóng góp. Không thể để dân tự nguyện đóng góp nhưng việc tự nguyện đó phải đi vay mượn, bán lúa non, bán cả chó, nợ nần… là tội cho người dân”.

Người dân góp 26 tỉ đồng

Huyện Lệ Thủy đã vận động 3.760 hộ hiến đất, ngày công, tài sản (trị giá hơn 52 tỉ đồng); người dân đóng góp đạt 26 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay, Lệ Thủy đã có hai xã đạt từ 12 đến 16 tiêu chí, bốn xã đạt từ 10 đến 12 tiêu chí và 18 xã đạt 5-9 tiêu chí nông thôn mới.

Trong các tiêu chí nông thôn mới thì có tiêu chí về giao thông. Theo đó, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; đường trục thôn, xóm đạt chuẩn; đường ngõ, xóm không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng xe cơ giới đi lại thuận tiện.

M.QUÊ - N.ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm