Sau hai năm khai thác các cổ vật trên con tàu bị đắm ở “tọa độ F”, ngày 7-6-1999 việc khai quật kết thúc với hơn 50.000 cổ vật nguyên vẹn và cả những hiện vật rạn nứt, sứt mẻ.
“Hoa hồng” hay “phí tư vấn”
Toàn bộ hiện vật được phân làm 20 chủng loại như chén, đĩa, âu, chóe, tượng, hộp phấn, ống nhổ… Điều đáng nói là kinh phí cho đợt khai quật này lên đến hơn 14 tỉ đồng, trong đó chi cho đơn vị khai thác Visal 11 tỉ đồng, chi cho quản lý bảo quản hiện vật hơn 3 tỉ đồng.
Tháng 6-2005, hai tỉnh Cà Mau và Bình Thuận đã ký văn bản thỏa thuận phương án xuất khẩu cổ vật. Theo đó, Cà Mau sẽ đưa đi hơn 46.000 còn Bình Thuận sẽ đưa đi hơn 30.000 cổ vật. “Tỉ lệ ăn chia” được thỏa thuận Cà Mau sẽ nhận 65% còn Bình Thuận 35%.
Trước đó, tháng 7-2004, thông qua nhà môi giới là Công ty Unicom Management Inc (San Francisco, Mỹ), một công ty có kinh nghiệm trong hoạt động môi giới kinh doanh, đại diện hai tỉnh Cà Mau và Bình Thuận ký ủy thác việc đấu giá cổ vật cho công ty đấu giá quốc tế Sotheby’s.
Ba năm sau, tức đầu năm 2007, toàn bộ 76.000 cổ vật mới được đóng container đưa xuống tàu để cập cảng Amsterdam (Hà Lan). Chiều 25-1-2007, sáu quan chức gồm ba người của tỉnh Bình Thuận và ba người của tỉnh Cà Mau đã đáp máy bay sang Amsterdam tham dự cuộc đấu giá.
Trước khi đợt bán đấu giá được tổ chức, hai bên còn ký một biên bản ghi nhớ. Theo đó thay từ “hoa hồng” bằng từ “phí dịch vụ” hoặc “phí tư vấn” và công ty môi giới Unicom sẽ có trách nhiệm trả cho một tiến sĩ người Việt sau khi kết thúc đấu giá. Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, sau thương vụ “béo bở” này, vị tiến sĩ “bí ẩn” với tư cách người môi giới bước đầu đã nhận được hơn 25.000 euro “phí tư vấn”.
Tượng cóc (gốm màu) khai thác ở tàu cổ ở Cà Mau.
Cổ vật được trục vớt từ con tàu cổ đắm ở vùng biển Cà Mau.
Vì sao phải mang cổ vật sang Hà Lan đấu giá?
Cuộc đấu giá diễn ra trong ba ngày với năm phiên do ông Henry, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của công ty đấu giá quốc tế Sotheby’s, trực tiếp gõ búa. Khách hàng tham dự đến chủ yếu từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Nam Phi, Trung Quốc (TQ) và một số nhà sưu tập sừng sỏ tham gia đấu giá qua điện thoại. 76.000 hiện vật nhanh chóng được bán hết sạch.
Theo Sotheby’s, cuộc đấu giá “đã gây ra một sự ngạc nhiên trên khắp thế giới”. TS Mark Grol, Giám đốc quản lý của Sotheby’s tại Amsterdam, vô cùng hài lòng với cuộc đấu giá bởi những người tham gia đã nhận thức sâu sắc về giá trị của các món cổ vật được chế tác từ những lò nổi tiếng của TQ. Trong đó phải kể đến lò Cảnh Đức Trấn (Giang Tây), lò Đức Hóa (Phúc Kiến), lò Quảng Châu (Quảng Đông)…
Cụ thể, theo báo cáo của Sotheby’s, lô 366 bao gồm 69 đĩa và chén uống trà có hình cậu bé cưỡi trâu bán giá 49.200 euro, cao gấp 12 lần so với dự kiến; lô bộ chén trà có in hình ảnh chiếc lều của người TQ bán với giá hơn 31.000 euro cho một người Nga; lô bộ chén đĩa màu xanh có hình ảnh con hươu được bán cho một người Nam Phi với giá hơn 6.000 euro.
Đặc biệt, một nhà sưu tập đến từ Pháp mua tám chiếc đĩa màu trắng với giá 14.400 euro, trong khi theo dự kiến thì giá chỉ từ 1.600 đến 2.400 euro. Hoặc một người Úc mua một tác phẩm có cảnh biển với giá 4.800 euro, một người Hà Lan mua lọ đựng nước hình trứng với giá 19.200 euro. Ngoài ra, Bảo tàng Quốc gia Anh cũng mua rất nhiều món, trong đó có một bình gốm đựng nước in hình ảnh con khỉ và toàn bộ lô 368 cổ vật có hình ảnh cậu bé cưỡi trâu…
Như vậy, tổng số tiền thu được từ bán đấu giá cổ vật là hơn 3 triệu euro. Tuy nhiên, sau khi trừ thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng thì chỉ còn lại hơn 2,5 triệu, trích 20% hoa hồng hơn nửa triệu euro nữa, số tiền còn lại chỉ xấp xỉ 2 triệu euro. Đó là chưa tính chi phí vận chuyển.
Được biết vào tháng 3-2007, Unicom Management Inc đã chi cho tỉnh Cà Mau 1,2 triệu euro, nếu dùng số tiền này thanh toán chi phí khai thác, bảo quản hơn 14,5 tỉ đồng thì sau thương vụ này, tỉnh Cà Mau chỉ còn vỏn vẹn vài trăm ngàn euro. Cộng thêm số hơn 650.000 euro mà Bình Thuận được Unicom trả thì Việt Nam chỉ sở hữu khoảng 1 triệu euro sau cuộc đấu giá “làm ngạc nhiên cả thế giới”. Có thể thấy chi phí khai quật và môi giới chiếm khoảng 2/3 giá trị lô cổ vật là một con số rất đáng lưu tâm.
Nhắc tới cuộc đấu giá này, nhiều chuyên gia về đồ cổ đều thắc mắc tại sao không tổ chức bán lô cổ vật quý giá khổng lồ trên ngay tại Việt Nam mà phải đưa sang Hà Lan để bị đánh thuế và chịu nhiều loại phí? Nếu thiếu kinh nghiệm thì vẫn có thể mời Sotheby’s hay nhà bán đấu giá Christie’s và bán ngay tại Việt Nam.
Không chỉ có vậy, nhiều nhà sưu tập đồ cổ còn cho rằng giá cả bán ra tại Hà Lan quá hời, chính vì vậy nên chỉ trong vòng ba ngày, 76.000 cổ vật đã được bán sạch. Đặc biệt là trong số những người giơ bảng đấu giá có rất nhiều nhà buôn đến từ các nước chứ không phải họ đều là những nhà sưu tầm. Việc Sotheby’s cho rằng bán vượt yêu cầu chẳng qua chỉ là cách họ làm an lòng đối tác chứ chưa ai dám khẳng định giá trị thật của lô cổ vật.