“Lúc đó chưa có thuốc điều trị, thành phố tập trung xây dựng bệnh viện Dã chiến để tập trung ca nhiễm COVID-19 (F0). Nhưng tập trung xong rồi ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi bệnh viện. Việc này tạo áp lực rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại không biết làm gì" – Đây là những câu nói mà Bí thư Thành Ủy TP.HCM chia sẽ trong cuộc họp vào ngày 22-10 khi nhìn lại cuộc chiến chống dịch của TP. HCM. Với ông, "nỗi lo lắng, ám ảnh này vẫn còn hiện hữu".
TP.HCM những ngày đầu tháng 7-2021, số ca mắc tính ở con số hàng chục, hàng trăm, khi đó báo chí, mạng xã hội chỉ ra hàng loạt bất cập trong các khu cách ly tập trung. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng chống COVID-19 đi kiểm tra khu cách ly tập trung cũng “ngao ngán” chỉ ra thực tế, Khu B: việc bố trí phân luồng từ cổng vào, vị trí chốt chặn của lực lượng bảo vệ, vị trí các buồng đệm cho nhân viên y tế chưa hợp lý.
Khu A: Việc bố trí F0 ngay tại tầng trước khi chuyển viện không hợp lý, có nguy cơ lây nhiễm cao vì dùng chung nhà vệ sinh với người cách ly khác… Rồi các phòng cách ly bố trí giường xếp chưa đảm bảo khoảng cách. Phòng vệ sinh sử dụng chung chưa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Có sự tiếp xúc giữa các công dân cách ly ở các phòng khác nhau khi sử dụng chung nhà tắm, nhà vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao….
Lúc này, công cuộc cách ly vận hành kiểu, F1 đi từ một điểm nguy cơ thấp (hộ gia đình) được đưa tới điểm nguy cơ cao (khu cách ly). Cũng lúc này, Bộ Y tế đề xuất thêm nhiều phương án chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly nhưng rồi F1 khắp nơi vẫn phải cách ly tập trung.
Một khu vực phong tỏa do có trường hợp mắc COVID-19 tại Hà Nội. ẢNH: PHI HÙNG
TP.HCM những ngày cuối tháng 7-2021, số ca mắc đã lên đến 4000, 5000 trường hợp mỗi ngày, lúc đó TP.HCM đưa ra thí điểm cách ly F1 tại nhà, tuân thủ quy định của Bộ Y tế đưa ra. Thời điểm này, cách ly F1 tại nhà được xem là “giải pháp” cuối cùng của TP vì số ca mắc mới vượt mức kiểm soát, khu cách ly, điều trị quá tải.
Cuối tháng 9 đầu tháng 10, giao thông cả nước bắt đầu hồi phục, cuộc sống trở về “bình thường mới” cũng đồng nghĩa với ca mắc ở các địa phương tăng trở lại. Điều được xem là “thuận tự nhiên” theo đúng tinh thần mà Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Thế nhưng, nhiều địa phương áp dụng Nghị quyết đến nay vẫn còn lúng túng, thích ứng chậm chạp, kiểm soát lại quá chặt chẽ.
Sau mở cửa, các tỉnh miền Tây chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ làn sóng COVID-19, Tiền Giang, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ ghi nhận số ca nhiễm tăng chóng mặt nhưng chỉ đến khi lượng bệnh nhân quá lớn, các địa phương này mới chịu chuyển mình.
Cụ thể, ngày 1-11 An Giang chính thức thí điểm điều trị và cách ly F1, F0 không triệu chứng tại nhà, Cần Thơ bắt đầu từ nửa đầu tháng 11, tương tự các tỉnh như Đồng Tháp, Bạc Liêu đã bắt đầu thí điểm điều trị F0, F1 tại nhà từ 17-11.. Hầu hết chính quyền các tình này được đưa ra quyết định khi các khu cách ly, bệnh viện dã chiến đã quá tải.
Hôm qua, 18-11 Lâm Đồng chính thức cho F1 cách ly tại nhà sau chuỗi ngày cách ly tập trung F1, người về từ địa phương khác. Thế nhưng các tỉnh lân cận như Đắc Lắc, Gia Lai vẫn kiên trì phong tỏa, “hốt” F1 đi cách ly tập trung dù F1 đã tiêm mấy mũi đi chăng nữa.
Kiên trì nhất có lẽ là TP Hà Nội, 2 ngày trước việc cách ly F1, F0 không triệu chứng ở nhà mới bắt đầu thí điểm tại khu vực thuộc 2 quận Nam Từ Liêm và Hà Đông. Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội từng lý giải một trong những nguyên nhân khiến thành phố chưa tổ chức cách ly tại nhà là vì TP đủ nguồn lực để tổ chức cách ly tập trung (sức chứa khoảng hơn 60.000-70.000).
Nói như vậy liệu có phải muốn người khác hiểu, khi nào TP quá tải các khu cách ly tập trung mới nghĩ đến giải pháp cho F1 cách ly tại nhà hay không? Hay cách ly tại nhà sẽ là “giải pháp” cuối cùng của TP Hà Nội? Mặc cho các chuyên gia, những người chinh qua nhiều cuộc chiến từ Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang chỉ rõ, nguy cơ lây nhiễm của cách ly tập trung rất cao. Mặc cho hiệu quả, lợi ích của việc cách ly tại nhà. Mặc cho Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường cách ly F1, F0 tại nhà. Mặc cho bài học xương máu mà TP.HCM từng trải qua.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn rất dài, nên chăng các địa phương mạnh dạn thay đổi để chủ động trong bài toán cách ly F1 tại nhà, nên hiểu "Cách ly F1 tại nhà" là giải pháp được đánh giá phù hợp với tình hình mới, hỗ trợ giảm tải, tạo tâm lý thoải mái cho mỗi người, mỗi nhà. Đừng nên bị động để rồi cách ly F1 tại nhà trở thành giải pháp “cuối cùng”.