Gặp lại người có tài viết tay “không tiền tuyệt hậu”

Cũng đã hơn chục năm rồi không gặp ông Phạm Ngọc Thuận thì sáng 2-4, bất ngờ tôi gặp lại ông qua video call nhờ kết nối của anh Phạm Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thạnh (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).

Ông Thuận vẫn còn minh mẫn lắm và ông vẫn nhớ từng chi tiết hơn chục năm trước khi hai bác cháu gặp nhau, cùng “soi” từng trang viết của ông.

Ông Phạm Ngọc Thuận với ngòi bút bắp chuối viết nên tuyệt kỹ thư pháp.
Ảnh chụp 11 năm trước. Ảnh: P.NAM

Trang sách viết tay như in của ông Phạm Ngọc Thuận. Ảnh: P.NAM

Ngỡ ngàng không tin vào mắt mình rồi sau đó sững sờ đến bái phục, có lẽ đó là tâm trạng của hầu hết mọi người khi xem qua những trang sách viết bằng tay như in của nhà bút pháp Phạm Ngọc Thuận. Nhiều nhà văn, học giả hàng đầu lúc bấy giờ đều nghiêng mình bái phục trước bút pháp như thần của ông. Đến mức học giả Nguyễn Hiến Lê đã phải ghi nhận tài năng của ông Thuận là “không tiền tuyệt hậu!” (nôm na là độc nhất vô nhị).

Chữ đều tăm tắp như máy in, không một lỗi nhỏ

Năm nay ông Thuận đã 88 tuổi, sống trong căn từ đường được xây dựng từ năm 1903 ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận như để chiêm nghiệm về một nghệ thuật do chính ông là người khai sinh nhưng lại không có hậu duệ.

Năm 1967, chân phải của ông Thuận bị gãy trong một vụ tai nạn giao thông và không thể làm được việc nặng. Từ đó, với ngòi bút sắt “bắp chuối” và mực Pelikan của Đức, ông Thuận bắt đầu khai sinh ra nghệ thuật thư pháp công phu. Viết chỉ để giết thời gian, song càng viết ông Thuận càng mê rồi nhập tâm viết quên cả ăn uống, quên cả khái niệm thời gian. Ông Thuận cho biết nghệ thuật thư pháp công phu được chia làm hai cách: Viết như in và viết chữ chừa trắng tô đen. Cách viết đầu tiên, muốn viết một trang 13 x 19 cm phải mất hết 10 ngày mới hoàn thành; còn cách viết thứ hai để hoàn tất một trang, ông Thuận phải mất đến gần ba tháng.

 

Phải dùng từ “TUYỆT” dành cho một nghệ sĩ tài hoa

Tôi khẳng định từ nay và mãi mãi các thế hệ mai sau hiếm thấy có một ai có thể viết chữ sắc sảo như máy in hoàn toàn. Tôi phải dùng cái từ để ca ngợi một con người hiếm thấy và hiếm có hiện nay cũng như mai sau về sự chép sách bằng tay như photocopie: Từ ấy đứng trên cái đẹp tầm thường đó là từ TUYỆT.

Tôi tán thán nhà nghệ sĩ tài hoa đã khổ luyện cũng như khổ hạnh trong nhiều năm ngồi miệt mài khắc ghi và nắn nót từng chữ viết. Một sự kiên nhẫn phi thường hiếm thấy!

Bản viết của học giả, dịch giả
GIẢN CHI - NGUYỄN HỮU VĂN

Chọn cuốn Việt Nam danh nhân từ điển với độ dày hơn 1.000 trang, ông Thuận gò lưng nắn nót suốt 10 năm trời nhưng chỉ viết được nửa cuốn. Để cho ra một trang chép tay như in, ngoài việc tỉ mỉ nắn nót từng dấu chấm phẩy, từng chân chữ, ông Thuận còn phải chia cột, chừa lề sao cho thật thẳng và đều nhau. Theo ông Thuận, muốn thế phải vừa viết từ trái sang phải và viết thụt lùi như chữ Hán từ phải sang trái. Bởi thế những trang sách viết tay của ông Thuận luôn làm người xem kinh ngạc vì đều tăm tắp, không một lỗi nhỏ.

Ông Thuận tâm sự chữ X là chữ làm ông khốn khổ nhất vì rất khó viết sắc nét trong cái kẻ của nó và phải mất nửa tiếng gò đi gò lại ông mới vừa lòng. Trong khi chữ T là chữ dễ viết hơn cả trong 24 chữ cái…

Quốc vụ khanh trả giá 50 cây vàng

Năm 1970, không hiểu bằng cách nào mà ông Mai Thọ Truyền, Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn, lại biết đến thư pháp công phu của ông Thuận nên có ý mời ông đưa tác phẩm vào Sài Gòn triển lãm. Tuy nhiên, số lượng trang sách lúc bấy giờ vẫn còn khiêm tốn và chưa đa dạng nên ông Thuận khất lần.

 

Đứt ruột bán toàn bộ tác phẩm để lấy 2.000 USD sửa căn từ đường

Tiếc thay, cơm áo, gạo tiền luôn đeo đuổi người nghệ sĩ và ông Thuận cũng không là ngoại lệ. Năm 2000, căn từ đường trăm tuổi của ông dột nát trầm trọng và có nguy cơ đổ sụp nên ông đành đổi tất cả tác phẩm của cả đời mình để lấy 2.000 USD sửa nhà. Bây giờ ông chỉ còn giữ lại vài trang của cuốn Việt Nam danh nhân từ điển để lâu lâu lấy ra ngắm nghía, hoài niệm.

Người đang sở hữu toàn bộ tác phẩm của ông Thuận hiện ở TP.HCM nên mỗi khi thấy nhớ tác phẩm của mình, ông liền đón xe đò vào TP này ngồi hàng giờ bên những trang sách ố vàng. Vài năm trở lại đây, do lớn tuổi, sức khỏe yếu nên dù rất nhớ những trang viết của mình, ông cũng không thể đón xe vào TP.HCM như trước đây nữa...

Trong thư đề ngày 25-11-1970, ông Mai Thọ Truyền đặt vấn đề: “Năm 1962, ở New York, tôi có thấy một cuốn Thánh kinh viết tay theo lối chữ Gothique sắc sảo như in và xưa gần 10 thế kỷ. Cuốn từ điển của em nếu đem vào thư viện quốc gia hay viện bảo tàng, về sau sẽ có cái giá trị quý báu như thế. Sẵn thư viện sắp hoàn thành, tôi có ý mua để đặt vào một chỗ trang trọng lưu về hậu thế và tôi đề nghị 1 triệu đồng…”.

Ông Thuận chưa nhận được số tiền tương đương 50 cây vàng lúc bấy giờ vì chưa hoàn thành cuốn sách. Nhưng năm 1973, ông quyết định chở chữ nghĩa của mình đi triển lãm theo lời mời của Hội Việt - Mỹ và ĐH Vạn Hạnh. Ngoài nửa cuốn Việt Nam danh nhân từ điển, ba trang Thánh kinh viết tay bằng tiếng Pháp, hai lá bồ đề viết chữ bằng bút sắt, ông Thuận còn mang theo một số bức tranh do mình vẽ.

Thời điểm đó, giới trí thức Sài Gòn vô cùng xôn xao về cuộc triển lãm với tuyệt kỹ bút pháp vô song của ông Thuận. Không những sinh viên Trường Mỹ thuật Gia Định mà sinh viên ở Viện ĐH Vạn Hạnh, Văn Khoa và cả sinh viên trường y cũng kéo nhau đến nườm nượp để thưởng lãm. Ông Flood, Giám đốc Hội Việt - Mỹ Sài Gòn, nhận định: “Người ta chỉ có thể phục sự kiên nhẫn vô biên của nghệ sĩ. Có lẽ công trình độc đáo của đời sống vị này chứa đựng một thông điệp triết lý nào chăng!” (nguyên văn tiếng Anh, Nguyễn Hiến Lê dịch). Còn Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện ĐH Vạn Hạnh, thì ghi vào sổ: “Đây là một thiên tài đặc biệt và là một nghệ sĩ thật đáng lưu tâm để giới thiệu”.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm