Theo bà Hy, hiện có khoảng 80.000 học sinh là con em của các bà mẹ Việt Nam làm dâu tại Đài Loan, trong đó phân bố nhiều nhất là TP Cao Hùng. Nhu cầu học tập, giao tiếp văn hóa bằng tiếng Việt của số học sinh này khá cao, đây là động lực thúc đẩy các nhà giáo dục Đài Loan thay đổi phương pháp giáo dục, chấp nhận đa văn hóa, đa ngôn ngữ, phù hợp với nhu cầu học tập, giao tiếp của các em.
Các doanh nghiệp Đài Loan có xu hướng tìm đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh nên họ cần những người thông thạo tiếng Việt… Nhóm đầu tư này thường thông qua người thân, bạn bè có vợ hoặc con cái là người Việt để qua đó tiếp cận thị trường nên biết tiếng Việt sẽ là một lợi thế.
Đoàn học sinh, sinh viên và các bà mẹ Việt Nam giao lưu với Sở GD&ĐT TP.HCM. (Ảnh: Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM cung cấp)
Bà Hy cho biết để thực hiện chương trình này, thời gian qua Bộ Giáo dục Đài Loan đã đưa khoảng 100 em học sinh, sinh viên và các bà mẹ về Việt Nam giao lưu với các trường tại Việt Nam để làm quen việc dạy và học tiếng Việt.
Bà Hy thông tin trong hệ thống giáo dục Đài Loan đã đưa ngoại ngữ vào dạy từ năm lớp 3. Ngoài tiếng Anh, Sở Giáo dục các TP khuyến khích học sinh học thêm tiếng mẹ đẻ của cha hoặc mẹ làm ngoại ngữ thứ hai. Riêng bộ sách dạy tiếng Việt đã soạn xong, sẵn sàng đưa vào giảng dạy trong năm tới.
Hiện nguồn giáo viên dạy tiếng Việt tại Đài Loan chủ yếu là các cô dâu Việt đã được huấn luyện, đào tạo cơ bản đã đáp ứng, tuy nhiên khi đưa tiếng Việt vào dạy rộng rãi thì sẽ thiếu hụt. Do vậy, Bộ Giáo dục khuyến nghị các trường ĐH Đài Loan liên kết với các trường ĐH, CĐ đào tạo ngành sư phạm tại Việt Nam để hợp tác đào tạo nguồn giáo viên dạy tiếng Việt tại Đài Loan. “Ngoài ra, Bộ Giáo dục khuyến nghị các cô dâu Việt về nước học tập, có chứng chỉ sư phạm tại Việt Nam để quay sang làm giáo viên dạy tiếng Việt tại các trường” - bà Hy nói.