Nhiều nhà ngôn ngữ học thống nhất đánh giá chữ quốc ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, dân tộc. Tuy nhiên, trong xu thế giao tiếp với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, chữ quốc ngữ ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế dù đã được cải tiến rất nhiều.
Đó là những ý kiến đưa ra tại hội thảo “Chữ quốc ngữ: Sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam” do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM0 phối hợp Trường ĐH Phú Yên tổ chức ngày 3-10 tại Phú Yên- nơi đang lưu giữ cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên- “Phép giảng tám ngày” của linh mục Alexandre de Rhodes, in năm 1651 tại Roma, Ý.
Hội thảo thu hút hơn 80 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên từ các trường đại học, viện ngôn ngữ, viện sử học trong và ngoài nước, trình bày hơn 100 báo cáo khoa học, tham luận xung quanh chủ đề trên, đồng thời thảo luận các vấn đề nhằm cải tiến, thống nhất chuẩn mực về chữ quốc ngữ.
Nhiều ý kiến đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ được đưa ra tại hội thảo “Chữ quốc ngữ: Sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam”. Ảnh: TẤN LỘC
Một trong những hạn chế của chữ quốc ngữ được nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ đề cập, phân tích tại hội thảo là hiện nay chữ quốc ngữ chưa đủ con chữ để chuyển tự các từ của những ngôn ngữ khác có quan hệ tiếp xúc với tiếng Việt. Trong khi chữ quốc ngữ chưa dùng hết chữ cái Latin nhưng lại đặt thêm chữ mới khiến chữ quốc ngữ trở nên phức tạp.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng hiện nay hiện tượng sử dụng chữ viết lệch chuẩn, tình trạng viết không thống nhất, không đúng chính tả… diễn ra rất phổ biến, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả trong các trường học.
Từ những bất cập này, nhiều nhà ngôn ngữ học đề xuất việc cải tiến chữ quốc ngữ cần được thực hiện theo hướng tận dụng chữ cái Latin, kể cả những chữ chưa được dùng trong chữ quốc ngữ như f, w, z, j để làm phương tiện chuyển tự các từ mới vay mượn các ngôn ngữ khác.
Mục tiêu lớn nhất là cải tiến sao chữ quốc ngữ hợp lý hơn, thuận tiện hơn nhưng tránh gây xáo trộn một cách không cần thiết, làm ảnh hưởng đến thói quen sử dụng.
Ngoài ra, nhiều đề xuất khác về cải tiến chữ quốc ngữ cũng đã được nêu ra nhưng chưa chưa có sự thảo luận, thống nhất.