Sách lớp 2, lớp 6 mới đang được thẩm định ra sao?

Theo Nghị quyết số 51 của Quốc hội, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai theo tuần tự từ lớp 1 đến lớp 12. Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa (SGK) mới. Năm học 2021-2022, tiếp tục triển khai chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6.

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thực hiện theo hai vòng

Theo Bộ GD&ĐT, hiện đã có 33 bản mẫu SGK của đầy đủ chín môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 được gửi về. Đối với lớp 6, có 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh.

Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định thành lập chín Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 trên cơ sở các thành viên đã tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 và bổ sung một số thành viên mới.

Mỗi hội đồng có trung bình 7-15 thành viên. Trong khi đó, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 6 gồm 128 thành viên của 12 môn học và hoạt động giáo dục.

Mỗi thành viên hội đồng nhận bản thảo SGK và nghiên cứu độc lập (15 ngày). Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận (năm ngày cho mỗi bản thảo gồm các nội dung: Nghe tác giả báo cáo về nội dung bản thảo SGK; thảo luận tập trung công khai về bản thảo SGK; công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết đánh giá của hội đồng để thảo luận, tiếp thu, chỉnh sửa và có ý kiến phản biện lại hội đồng nếu có).

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK được thực hiện theo hai vòng (vòng một, vòng hai), dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo SGK và kết luận ở ba mức: Đạt; đạt nhưng cần sửa chữa; không đạt.

Các thành viên hội đồng thẩm định phải tuyệt đối không tham gia các công việc liên quan đến biên soạn, xuất bản SGK, đồng thời bảo mật thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động thẩm định SGK.

Học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: KIM TRANG

Lo lắng nhiều vấn đề

Bộ GD&ĐT cũng cho biết nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK, phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK tổ chức thực nghiệm SGK. Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định bản mẫu SGK theo quy định.

Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, nêu kinh nghiệm thực nghiệm chương trình đổi mới giáo dục (gọi tắt là chương trình 2000) đã được chuẩn bị từ năm 1992 như một lời nhắn nhủ.

Ông Điệp cho hay vào năm 2000, khi SGK lớp 1 hoàn thành, Bộ GD&ĐT đã cho thực nghiệm ở 10 tỉnh/thành. Mỗi nơi chọn một số trường. TP.HCM cũng chỉ được một số trường tham gia. Phòng Giáo dục tiểu học xin phép ban giám đốc sở được thực nghiệm thêm cho tất cả 24 quận/huyện (những trường tiểu học ngoài kế hoạch của Bộ GD&ĐT thì Sở GD&ĐT sẽ trực tiếp theo dõi, quản lý). Trường dạy thực nghiệm phải cho giáo viên các trường khác dự giờ, làm quen với SGK và phương pháp giảng dạy mới.

Tuy nhiên, đến khi triển khai dạy đại trà, dù giáo viên lớp 1 đều đã làm quen, đã được tập huấn do giáo viên cốt cán hướng dẫn trong mùa hè, vào năm học cũng chuẩn bị chu đáo nhưng vẫn không tránh khỏi sai sót.

Ông NH, hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM, bày tỏ lo lắng: “Hiện nay đã là tháng 10, sách lớp 2 và lớp 6 vẫn chưa thẩm định xong thì làm sao có thể thực nghiệm kịp để đưa vào dạy?”.

Cũng theo vị này, từ chương trình SGK lớp 1 cho thấy quá trình thực nghiệm cần phải thay đổi. Vị này cũng cho biết thêm, sở dĩ bộ SGK lớp 1 có nhiều sai sót là do SGK sau khi thẩm định không được đưa vào dạy thực nghiệm trước khi triển khai đại trà.

“Rút kinh nghiệm từ bộ SGK lớp 1, sắp tới triển khai SGK lớp 2 và lớp 6, theo tôi nghĩ sau khi bộ sách được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định xong cần được Bộ GD&ĐT đưa dạy thử nghiệm tại một số trường ở các tỉnh/thành. Bởi chỉ qua quá trình dạy thực tế mới phát hiện ra những sai sót, chính giáo viên sẽ đóng góp ý kiến về chương trình. Nhà xuất bản sẽ ghi nhận những ý kiến đó, chỉnh sửa lần cuối trước khi áp dụng vào việc dạy. Trong những năm tiếp theo cần tiếp tục góp ý, chỉnh sửa để bộ SGK được hoàn chỉnh hơn” - vị này nói.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: Để SGK có chất lượng thì cần sự đồng bộ từ nhiều khâu, từ quá trình làm việc của nhóm biên soạn, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và thực nghiệm.

Rút kinh nghiệm từ những từ ngữ chưa phù hợp ở bộ sách Cánh diều, ông Ngai cho biết trong quá trình thẩm định, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK bên cạnh việc yêu cầu nhóm biên soạn chỉnh sửa những cái sai, chưa hợp lý thì những vấn đề cần khuyến nghị hội đồng nên báo cáo với bộ phận lãnh đạo cao hơn để nắm bắt và có hướng xử lý sao cho phù hợp.

“Tránh trường hợp như vừa rồi, dù Hội đồng quốc gia thẩm định đã khuyến cáo nhưng nhóm biên soạn bảo lưu quan điểm, không sửa. Do đó SGK mới có những từ ngữ không phù hợp” - ông Ngai nói.

Về vấn đề thực nghiệm, theo ông Ngai, đó là một khâu rất quan trọng. “Thực nghiệm cần phải chọn mẫu thực nghiệm với số lượng đảm bảo có thể đánh giá chính xác. Khu vực thực nghiệm phải đại diện của từng vùng miền. Thứ ba, thực nghiệm cần phải đa dạng về chất lượng để có sự đánh giá phổ quát và có thời lượng thực nghiệm phù hợp” - ông Ngai nhấn mạnh.

Bổ sung quy định về thực nghiệm khi biên soạn SGK

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 6-8-2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo Thông tư số 33/2017/TT để khắc phục một số vướng mắc liên quan đến thẩm định SGK lớp 2, lớp 6.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK; việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi hội đồng đánh giá đạt và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi bộ trưởng ký ban hành. Dự kiến thực hiện lấy ý kiến trên cổng thông tin của bộ tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm