Sẽ thay đổi chuẩn đào tạo sư phạm thời gian tới

Chính phủ vừa có báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi). Những nội dung được góp ý quan trọng gồm nhiều vấn đề như tiêu chuẩn giáo viên sư phạm, miễn giảm học phí… 

Liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, báo cáo của Chính phủ cho hay đa số ý kiến đóng góp nhất trí với quy định trong dự thảo Luật là nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non (GVMN) lên cao đẳng sư phạm. Đối với GV tiểu học, THCS, THPT phải có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm.

Từ nay đến năm 2026, với những môn học chưa đủ GV được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì yêu cầu GV phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tương ứng, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Về chính sách học phí,  Chính phủ đồng ý với ý kiến trẻ MN 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS học trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục.

Trẻ MN 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, THCS trường tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí. Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định, tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn.

Chính phủ cũng quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Trước mắt ưu tiên thực hiện ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, đa số ý kiến nhất trí với quy định học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện dự thi nhưng không dự thi hoặc thi không đạt thì được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Dự thảo Luật cũng không có quy định việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH vì việc tuyển sinh thuộc quyền các trường ĐH đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi, bổ sung).

Cạnh đó, có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật không nên quy định cụ thể việc thi tốt nghiệp THPT mà nên giao Bộ GD&ĐT quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo tính linh hoạt và quản lý ngành đảm bảo chất lượng và hiệu quả. 

Về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cơ bản nhất trí với việc tiếp thu ý kiến nhân dân về việc nâng chuẩn đào tạo của GVMN lên trình độ cao đẳng. Theo Ủy ban, đây là một trong những giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên tại phiên họp, các đại biểu cũng cho rằng chuẩn nghề nghiệp đối với GVMN không chỉ được quyết định bởi trình độ đào tạo, mà còn cần kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm và những phẩm chất khác như sự tâm huyết, lòng yêu nghề, tình yêu thương đối với trẻ. Cạnh đó cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chuẩn đào tạo của nhà giáo, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm chất lượng và yêu cầu nghề nghiệp, tránh hình thức, chạy theo thành tích, văn bằng.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm