Nhằm giúp các sinh viên không thấy cứng nhắc khi học những môn cơ khí, công nghệ, khoa Cơ khí chế tạo máy (trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) đã tổ chức cuộc thi chế tạo Robot hoa công nghệ. Sự sáng tạo của các bạn sinh viên đã vượt ra ngoài giới hạn của cuộc thi.
Thi để vận dụng kiến thức và tự học
Nguyễn Bùi Anh Kiệt (sinh viên năm nhất khoa Cơ khí máy) là trưởng nhóm tạo ra sản phẩm robot hoa tuy lip. Tuy chỉ thực hiện trong vòng hai ngày, nhưng robot của nhóm Kiệt có thể thực hiện tốt các tính năng như cảnh báo khí gas, cháy nổ. Robot có các chế độ lễ tân, nhảy ánh sáng, nhảy theo nhạc, nhảy tự do, tự sáng đèn khi không có ánh sáng...
Ban tổ chức cuộc thi nhận được 120 sản phẩm từ sinh viên. Ảnh: NTCC
"Robot sẽ hoạt động dựa trên chương trình lập trình, tùy thuộc vào chế độ được cài đặt. Ban đầu khi vừa cắm điện, robot ở chế độ cảnh báo khí gas, cháy nổ. Nếu phát hiện rò rỉ khí gas và khói, robot sẽ phát còi và nhảy múa để thu hút sự chú ý, khắc phục sự cố.
Ngoài ra, robot của nhóm Kiệt còn có các chế độ lễ tân, nhảy ánh sáng, nhảy theo nhạc, nhảy tự do, tự sáng đèn khi không có ánh sáng. Trên robot có màn hình hiển thị trạng thái của robot, nhiệt độ và độ ẩm.
Cuộc thi giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm. Ảnh: NTCC
Kiệt chia sẻ: "Nhóm tôi vấp phải nhiều khó khăn như thời gian gấp rút, kinh phí có hạn, gặp nhiều tai nạn nhỏ trong thời gian chế tạo nhưng lại học hỏi được nhiều. Qua cuộc thi này, chúng tôi có thêm tinh thần đồng đội, rèn luyện sự kiên trì và cách sử dụng hiệu quả các thiết bị máy móc".
Bên cạnh kiến thức được học ở trường, trước và trong thời gian tham gia cuộc thi, nhóm của Kiệt còn tự học thêm kiến thức về lập trình, điện tử, cơ khí, mỹ thuật.
Robot hoa công nghệ được thiết kế tỉ mỉ. Ảnh: NTCC
Giống như Kiệt, Nguyễn Hải Đăng cũng là sinh viên năm nhất tham gia cuộc thi do khoa tổ chức. Tuy nhiên, Đăng tham gia cuộc thi một mình nên thời gian chế tạo robot có dài hơn. Sản phẩm robot hoa trạng nguyên của Đăng cũng hoạt động theo cảm biến ánh sáng, nhiệt độ; có các tính năng phát sáng, tỏa hương và nhảy theo nhạc.
Bên cạnh những kiến thức cơ học, lập trình học được từ kiến thức trên trường, Đăng còn tìm hiểu thêm nhiều tài liệu, tự học và tham khảo ý kiến giảng viên.
Các sản phẩm phá bỏ giới hạn cuộc thi
Đây là lần đầu tiên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức cuộc thi Robot hoa công nghệ dành cho sinh viên năm nhất. Yêu cầu khoa Cơ khí chế tạo máy và nhà trường đưa ra là sản phẩm phải nhảy được theo nhạc, đảm bảo tính thẩm mỹ, hoạt động dựa trên công nghệ cảm biến ánh sáng, âm thanh.
Ban tổ chức đã nhận được 120 sản phẩm từ các sinh viên năm nhất, trong đó 10 sản phẩm được lựa chọn vào vòng chung kết (tối ngày 24-11). Các sản phẩm hiện được trưng bày tại sảnh chính của trường.
Nhiều sản phẩm được đánh giá có tính sáng tạo cao. Ảnh: NTCC
"Nhà trường và khoa tổ chức cuộc thi với mong muốn giúp sinh viên thấy được công nghệ không hề cứng nhắc. Robot không chỉ là những thiêt bị vô cảm, nó vẫn có thể mềm mại, gần gũi và thân thuộc với con người", thầy Nguyễn Trường Thịnh (Trưởng khoa Cơ khí máy) cho biết.
Tuy nhiên, chỉ với thời gian một tuần từ khi phát động đến lúc diễn ra, các sinh viên tham gia đã phá bỏ giới hạn cuộc thi và tạo ra nhiều sản phẩm vượt ngoài sự mong đợi của ban tổ chức.
10 sản phẩm tốt nhất được trưng bày tại sảnh chính của trường. Ảnh: KHÁNH CHI
Thầy Thịnh chia sẻ thêm: "Sinh viên đã làm rất tốt, tôi rất bất ngờ vì các bạn sáng tạo hơn tôi nghĩ. Các bạn có tư duy, trí tưởng tượng tốt và sự sáng tạo, năng nổ, nhiệt tình. Cuộc thi đã giúp các bạn trải nghiệm nhiều hơn, ứng dụng lý thuyết học được trên giảng đường vào thực tế, giúp các bạn hiểu bài hơn, tăng sự trải nghiệm, tính sáng tạo và tư duy".
Mỗi năm, khoa Cơ khí chế tạo máy sẽ tổ chức một cuộc thi công nghệ dành cho sinh viên năm nhất vào dịp Noel và Tết dương lịch. Những năm trước, nhiều chủ đề được đưa ra như robot múa rối nước tự động, dancing robot, quà giáng sinh công nghệ cao...