Đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh; cơ chế, chính sách; hệ thống quản trị đại học (ĐH), hội nhập quốc tế là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại hội thảo “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP.HCM giai đoạn 2020-2030” diễn ra ngày 15-8.
Đào tạo nhân lực quốc tế phải có giảng viên quốc tế
Tham dự hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP.HCM, đặt ra câu hỏi nhân lực quốc tế nằm ở đâu trong chiến lược phát triển của TP.HCM. Dưới góc độ của ĐH Quốc gia TP.HCM, nhân lực chính là điểm tựa, khoa học công nghệ là đòn bẩy.
Nếu TP.HCM sử dụng nhân lực phục vụ cho sự phát triển của mình thì TP nên có một cơ chế đặt hàng các đơn vị đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, TP cần nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh. Bởi hội nhập quốc tế, trình độ nhân lực quốc tế, ngoại ngữ sẽ là yếu tố then chốt. Thực tế hiện nay, khi học ĐH, sinh viên thường yếu nhất ở môn tiếng Anh. “Cho nên tôi hy vọng chương trình đào tạo tiếng Anh sẽ được bắt đầu sớm để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội” - ông Quân nói.
Ông Quân đề xuất TP và các trường ĐH nên xây dựng trung tâm cải tiến các phương pháp và công nghệ giảng dạy. Đây là điều quan trọng, bởi muốn có nhân lực quốc tế cần phải có phương pháp mới, công nghệ mới để đào tạo. Song song đó nên hình thành mô hình ĐH dựa trên nền tảng công nghệ để các trường có thể chia sẻ kinh nghiệm, bài giảng, phương pháp, tài liệu.
Trong khi đó, TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho rằng để thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam, một trong những yêu cầu là hội nhập quốc tế và quốc tế hóa hệ thống giáo dục.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Để thực hiện điều này cần có chính sách quốc gia, cũng như chính sách của TP.HCM về quốc tế hóa. Quốc tế hóa giáo dục ĐH đòi hỏi một sự đầu tư mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo nghiên cứu.
Mặt khác, vấn đề cơ chế, chính sách rất quan trọng. “Trong quá trình triển khai dự án ĐH Việt Đức, chúng tôi thấy cơ chế, chính sách là vấn đề rất lớn, có những lúc đã tạo ra những rào cản trong quá trình hợp tác quốc tế về giáo dục ĐH. Chính vì thế, TP cần có một khung pháp lý cởi mở, rõ ràng. Bên cạnh đó, trong quá trình hợp tác quốc tế cần quan tâm đến chất lượng học thuật của các chương trình, dù hợp tác chương trình đào tạo ở cấp khoa hay thành lập ĐH quốc tế theo mô hình thì chất lượng học thuật đặt lên hàng đầu” - ông Viên nói.
Cần có hội đồng tư vấn đào tạo nhân lực quốc tế
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Với sự cần thiết về nguồn nhân lực trình độ quốc tế của TP.HCM, TP sẽ có một chương trình đồng bộ để hướng đến đào tạo nhân lực trình độ quốc tế trên các lĩnh vực chọn lọc.
Trước hết, nên chăng cần có một hội đồng tư vấn đào tạo nhân lực quốc tế TP.HCM. Hội đồng tư vấn sẽ bao gồm 10 người trong nước, 10 người nước ngoài. Bởi muốn có trình độ quốc tế thì phải có chuyên gia nước ngoài tham gia. Việc có hội đồng tư vấn sẽ giúp cho các chương trình được triển khai đồng bộ.
Thứ hai, TP nên có một chương trình cho vay để sinh viên học trường chất lượng cao. Thực tế, nhiều sinh viên khá, giỏi muốn học trường chất lượng cao nhưng không đủ điều kiện. Với nguồn vốn trên, các em sẽ được vay tiền đóng học phí và cam kết trả sau khi có việc làm. Song song đó, TP nên có chương trình cho vay kích cầu để hình thành các trường ĐH có trình độ quốc tế.
Bên cạnh đó, TP cần phải phát triển mạnh mẽ hợp tác công tư theo từng nhóm chuyên đề khác nhau như tăng tốc nâng cao trình độ tiếng Anh; đào tạo giáo viên thực hiện chương trình quốc tế; triển khai các chương trình đào tạo quốc tế; kiểm định chất lượng giáo dục; hợp tác trong việc nâng cao trình độ quản lý của nhà trường. Cùng đó là việc triển khai các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; chuyển giao công nghệ mới và phát triển công nghệ mới.
Mong muốn TP.HCM đi đầu trong đào tạo nhân lực TP.HCM tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm, xem xét có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM tham gia với các cơ sở giáo dục ĐH trong việc phát triển và đánh giá chương trình đào tạo, hỗ trợ quá trình đào tạo, tạo môi trường sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt, với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, TP.HCM đưa ra các dự báo đào tạo nguồn nhân lực cho TP đáp ứng sự phát triển kinh tế-xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ GD&ĐT mong muốn TP.HCM sẽ đi đầu trong đào tạo nhân lực có khả năng hội nhập quốc tế để cạnh tranh với các trường ĐH trong khu vực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho TP mà cho cả nước. Ông LÊ HẢI AN, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT |