Trưa 2-6, Sở GD&ĐT công bố danh sách các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX, phân hiệu GDTX và trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh lớp 10, năm học 2020-2021.
Tuyển hơn 66.000 học sinh vào lớp 10
Theo đó, năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT TP.HCM tuyển hơn 66.000 học sinh (HS) vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn.
Trong đó, Trường THPT Marie Curie (quận 3) có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất với 1.265 chỉ tiêu, tiếp đến Trường THPT Hùng Vương (quận 5) với 1.035 chỉ tiêu và Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) với 1.020 chỉ tiêu.
Qua bảng thống kê, chỉ tiêu các trường THPT thuộc tốp đầu có sự thay đổi so với năm học 2019-2020.
Cụ thể, một số trường giảm chỉ tiêu như Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) giảm 20 chỉ tiêu, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) giảm 135 chỉ tiêu, Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) giảm 45 chỉ tiêu, THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) giảm 90 chỉ tiêu.
Một số trường THPT tăng chỉ tiêu so với năm rồi như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) tăng 45 chỉ tiêu, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) tăng 160 chỉ tiêu.
Trong khi đó, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) giữ nguyên chỉ tiêu là 450 HS, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) là 1.020 HS.
Năm nay có một điểm mới, ngoài việc công bố chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập trên địa bàn, Sở GD&ĐT còn công bố chỉ tiêu tuyển sinh của hơn 120 trường THCS - THPT tư thục trên địa bàn. Đa phần các trường đều xét tuyển.
HS không vào được lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn có thể học tại các trường tư thục, trung tâm GDTX hoặc trường nghề.
Học sinh Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM) tìm hiểu mô hình học tập tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Chọn lựa nguyện vọng gần nơi cư trú
HS tốt nghiệp THCS tại TP.HCM trong độ tuổi quy định đều được tham gia tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.
HS được đăng ký ba nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường Phổ thông năng khiếu ĐH Quốc gia). Không được thay đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển.
Kỳ thi bao gồm ba môn ngữ văn, toán và ngoại ngữ. Thời gian thi là ngày 16 và 17-7-2020. Thời gian làm bài môn ngữ văn, toán là 120 phút/môn thi; môn ngoại ngữ 60 phút.
Dự kiến ngày 5-6, Sở GD&ĐT phổ biến số liệu tổng hợp ban đầu về số HS đăng ký dự thi vào từng trường (đăng ký nguyện vọng 1).
Từ ngày 5 đến 12-6, căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cũng như số liệu đăng ký nguyện vọng 1, phụ huynh HS và HS có thể điều chỉnh nguyện vọng.
Sở GD&ĐT lưu ý giáo viên chủ nhiệm tư vấn phụ huynh và HS chọn nguyện vọng thi tuyển vào lớp 10 các trường phù hợp với năng lực từng HS, gần nơi cư trú, thuận lợi cho việc đi lại, học tập.
Những HS đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 THPT xa nơi cư trú, trường THCS tư vấn riêng với phụ huynh, đề nghị phụ huynh chứng minh điều kiện đảm bảo cho HS học tập tại trường đã đăng ký theo nguyện vọng, không thay đổi nguyện vọng khi đã trúng tuyển.
Cấu trúc đề thi ổn định Đối với môn ngữ văn, cấu trúc không thay đổi so với năm ngoái, gồm ba phần: phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm), nghị luận văn học (4 điểm). Phần đọc hiểu các văn bản được chọn có thể là văn bản thông tin, văn bản nghị luận xã hội, văn bản nghị luận, văn bản khoa học… Các câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá vấn đề. Phần nghị luận xã hội, học sinh cần đảm bảo cấu trúc bài thi đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Phần nghị luận văn học, các em sẽ chọn một trong hai đề. Đề 1 là câu hỏi quen thuộc còn đề 2 cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn. Đối với môn tiếng Anh, từ vựng là một mảng rất quan trọng. Do đó, các em cần phải chú trọng từ vựng theo chủ đề, chủ điểm. Còn môn toán gồm tám câu, trong đó có câu 1, 2 là dạng toán cơ bản; năm câu tiếp theo là dạng toán thực tế; câu 8 là toán chứng minh hình học Sở GD&ĐT TP.HCM |