Chông chênh tuổi 15 vào trường nghề - Bài 1

Dạy nghề: Tuyển được nhiều, rơi rụng cũng quá nhiều!

LTS: Những năm gần đây việc dạy nghề cho học sinh sau THCS ở nước ta ngày càng được quan tâm. Chính phủ, bộ, ngành quản lý đã có nhiều chính sách để nâng cao chất lượng dạy và học. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” với nhiều mục tiêu cụ thể.

Tuy nhiên, thực tế hướng nghiệp, tuyển sinh, dạy và học nghề đang còn rất nhiều nghịch lý, bất cập…

Vài năm gần đây việc đăng ký vào trường nghề có xu hướng tăng. Thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy trong hai năm 2018, 2019 kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề đều vượt.

Tính đến hết tháng 8-2019, các trường nghề vượt 10% so với chỉ tiêu tuyển sinh của năm trước. Riêng tại TP.HCM, năm 2018 các trường nghề tuyển được 29.091 học sinh (HS) hệ trung cấp, tăng 16% so với năm 2017. Năm 2019 tiếp tục nâng chỉ tiêu tuyển sinh ở hệ này là 36.000 em. Nhiều trường nghề đã tuyển đủ HS để khai giảng sớm. Ở nhiều ngành như công nghệ thông tin, du lịch... đông HS hơn.

Thế nhưng một thực tế đáng buồn là tuyển được nhiều mà HS bỏ học cũng nhiều.


'Đi học đại cho đỡ làm thuê’!
Bài 2: 'Đi học đại cho đỡ làm thuê’!
(PL)- Mỗi năm học mới, chưa kịp vui vì đón nhiều học sinh tuổi 15, 16 vào học thì các trường nghề đã phải lên kế hoạch giữ chân học trò.

“Bội thu” hơn dự kiến

Được xem là một trong ít trường bội thu HS vào học trung cấp nghề nhất tại TP.HCM, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (Tân Bình) năm nay tuyển được hơn 2.000 HS cho gần 40 ngành học, đạt chỉ tiêu hơn dự kiến, tăng hơn năm trước gần 200 em.

Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường khá bất ngờ vì những năm gần đây sự quan tâm của phụ huynh HS về học nghề lớn như vậy. Nhiều em dù đã đậu lớp 10 công lập cũng đăng ký vào trường. Và nhóm ngành thu hút HS vào học nhất và phải ngưng tuyển sớm vì quá đông là công nghệ thông tin, cơ khí, ô tô, kỹ thuật.

Ông Lộc nói thêm từ năm 2016 đến 2017, trường mới bắt đầu tổ chức liên thông lên CĐ theo quy định Bộ GD&ĐT với 6/8 ngành nhưng do bước đầu thực hiện nên chỉ tuyển được bốn ngành. Đến năm 2019 này trường mở rộng liên thông đến gần 40 ngành nghề và đều tuyển được, hầu hết các em đăng ký học song song cả nghề lẫn văn hóa để liên thông lên CĐ.

Năm 2018, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tuyển cho 14 ngành hệ trung cấp được 674 (vượt chỉ tiêu hơn 5%) và vượt 20% so với năm 2017. Đến năm 2019, trong khi chỉ tiêu chỉ 470 nhưng có đến hơn 900 em đăng ký và số em nhập học đã đạt hơn 91,1% chỉ tiêu. Trong đó, nhóm ngành về cơ khí, ô tô và công nghệ thông tin là những ngành thu hút đông HS nhất.

Hay như Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương bắt đầu tuyển sinh hệ trung cấp sau THCS từ năm 2012 với một nghề là điện lạnh và tuyển được 60 em. Năm 2013, số HS tăng hơn nên trường mở rộng thêm bốn ngành. Đến năm học 2018, nhà trường đã tuyển sinh 801 em, đến nay tuyển được gần 1.000 em cho 15 nghề.

Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM năm nay cũng tuyển đạt hơn chỉ tiêu dự tính. Ông Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường tuyển 13 ngành với chỉ tiêu hơn 700 em nhưng tuyển được gần 800 em và phải ngưng tiếp nhận để bắt đầu năm học mới từ đầu tháng 9.

Học sinh trong một giờ học nghề tại Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (quận 5). Ảnh: PHẠM ANH

Rơi rụng phân nửa!

Là một trong những trường nổi tiếng tại TP.HCM về đào tạo trung cấp sau THCS nhưng mỗi năm Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức vẫn có 40%-50% HS hệ trung cấp sau THCS bỏ học. Đa phần các em học nghề theo lựa chọn hoặc áp đặt của cha mẹ nên không có động cơ học. Sau một thời gian, các em bỏ học, đi làm kiếm tiền hoặc cha mẹ cho nghỉ để đi học nơi khác.

Tương tự, đây cũng là tình cảnh tại Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương. Mỗi năm trường tuyển gần 1.000 HS cho 15 nghề nhưng tỉ lệ bỏ học chiếm 30%-40%/khóa nên ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức lớp và thu nhập của giáo viên vì trường tự chủ tài chính.

Ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng Phòng đào tạo, cho hay thống kê sơ bộ của trường, số em bỏ học rơi vào diện có đăng ký học nghề lẫn văn hóa, nhất là văn hóa bảy môn (toán, lý, hóa, văn, sinh, sử, địa) để liên thông lên CĐ hoặc thi THPT quốc gia. “Trường khổ sở luôn, tới ngày thi còn phải năn nỉ các em đi thi vì một số em chưa có ý thức học. Có nhiều em xin chuyển sang loại hình học nghề để học tiếp” - ông Hiển nói.

Nói về thực tế này, thầy Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng Khoa bảo trì cơ khí của trường, cho biết lớp của thầy hiện còn 20 em. “Lớp tôi quản lý có 5-6 em bỏ học vì không chịu nổi môi trường học nghề, dù đơn giản chỉ là đi đúng giờ, chấp hành kỷ cương trường lớp, chú tâm học hành... Có em bỏ học vì ham chơi, gia đình cũng nói chịu thua. Có em không có ý thức học nên nhiều khi phải cho các em nghỉ hoặc chuyển nghề vì nghề cơ khí thực hành về điện và máy móc liên tục, không học không biết gì sẽ rất nguy hiểm” - thầy Vĩ chia sẻ.

Dù khả quan hơn nhưng tỉ lệ bỏ học giữa chừng tại một số trường như CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (Tân Bình) mỗi năm cũng có 17%-20% em bỏ học, có năm 30%-40%. Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM khoảng 10%/năm.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục dạy nghề, trong đó có gần 400 trường CĐ, hơn 500 trường trung cấp và 1.045 trung tâm giáo dục thường xuyên.

Năm 2019 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường CĐ, trung cấp hơn 22.000 em, tăng gần 50% so với năm 2018. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm