Trong bảy tháng đầu năm, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã phối hợp với các cơ quan chức năng cứu hộ 146 cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) gồm nhiều loài quý hiếm như: voọc, mèo rừng, rùa biển, khỉ, tê tê, rái cá…
Mèo rừng được cứu hộ tại Thanh Hóa
Ngày 6-8, trao đổi với PLO, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết như trên.
Thông tin về vụ việc cứu hộ 21 cá thể rùa quý hiếm bị rao bán tại một khu chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng, ENV cho biết thông tin do một tình nguyện viên của ENV đã phát hiện ra hành vi này và thông báo với ENV.
Theo cơ quan chức năng địa phương, tất cả số rùa này đều thuộc các loài rùa quý hiếm, được pháp luật bảo vệ như: rùa hộp trán vàng miền Trung, rùa ba gờ, rùa núi viền, rùa Pulkin,… Sau khi được cứu hộ, những cá thể rùa này đều đã được thả về môi trường tự nhiên.
Tháng 7 này ENV tiếp tục thúc đẩy cơ quan chức năng cứu hộ ba cá thể khỉ bị nuôi nhốt trong nhà thờ tại Đồng Nai nhờ tin báo từ một tình nguyện viên nước ngoài.
Chỉ tính riêng trong tháng 7, ENV đã phối hợp với cơ quan chức năng cứu hộ 17 cá thể động vật hoang dã.
Phát hiện mua bán động vật hoang dã gọi ngay 1800-1522
1800-1522 là số điện thoại đường dây nóng miễn phí bảo vệ Động vật hoang dã của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV). Số đường dây nóng này bắt đầu hoạt động từ năm 2005 nhằm khuyến khích người dân thông báo vi phạm về động vật hoang dã. Theo thống kê của ENV, mỗi ngày số điện thoại này tiếp nhận trung bình khoảng 3-4 vụ việc vi phạm được người dân thông báo. Từ nguồn tin quý giá này, nhiều vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép nhanh chóng được lực lượng chức năng phanh phui, triệt phá thành công. Từ năm 2005 đến nay, ENV đã ghi nhận hơn 13.766 vụ vi phạm về động vật hoang dã, hỗ trợ các cơ quan chức năng tịch thu hàng trăm cá thể ĐVHD, đóng cửa nhiều nhà hàng và khu chợ buôn bán động vật hoang dã, xóa bỏ nhiều biển quảng cáo và xử phạt những đối tượng vi phạm. Ngoài ra, rất nhiều người dân cũng đã tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm của mình sau khi nhận được khuyến cáo từ ENV. |