Lòng tốt đã ‘thắp’ lại tinh thần nhân văn

Trong bối cảnh cả nước đang hướng về đồng bào miền Trung, nhà xã hội học - PGS-TS Trịnh Hòa Bình phấn chấn: “Tôi đang tin lòng tốt của người Việt thể hiện qua các cơn bão lũ ở miền Trung vừa qua là bằng chứng để cho người Việt cảm thấy tự tin hơn đi tiếp, hát tiếp những phẩm chất, thuộc tính tương thân tương ái”.

Lòng tin bị suy giảm nhưng đang được lấy lại

. Phóng viên: Thưa ông, những ngày qua, dải đất miền Trung của đất nước ta đã gánh chịu nhiều tai ương từ thiên tai nhưng cũng nhận được sự hỗ trợ tận tình từ đồng bào cả nước. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

+ PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Nghĩa cử như trên của người Việt xuất phát từ truyền thống đoàn kết, đùm bọc “Lá lành đùm lá rách” mà gần đây người ta còn thêm câu “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Điều này nằm trong truyền thống đạo nghĩa, đạo lý của dân tộc, trở thành chủ nghĩa nhân văn của người Việt, trong đó bao hàm nghĩa “Thương người như thể thương thân” để khẳng định nghĩa cử đồng bào. Người Việt cũng có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, đó là biểu hiện của tính chất quần cư địa lý chứ không chỉ hàm nghĩa ruột thịt, huyết thống mới thương nhau.

. Nhưng cũng có lúc nào đó, ở chỗ nào đó tinh thần đó lại phai nhạt đi, thậm chí bị lấn át đi bởi những tiêu cực, ông có nghĩ như vậy?

+ Tất nhiên, nếu chúng ta bàn kỹ hơn chút nữa thì dường như trong thời gian gần đây lòng tốt có suy giảm, có nhạt phai nhưng điều đó đang được lấy lại thông qua những sự kiện, những tai nạn, hệ lụy liên quan đến chuyện còn mất. Cụ thể đó là tác động từ thiên tai, địch họa…, truyền thống đó đang được khơi dậy.

. Còn khi có suy giảm lòng tốt thì nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

+ Nguyên nhân đến từ sự phát triển của kinh tế thị trường, vấn đề của tăng trưởng và chuyển đổi của đời sống xã hội trong thời gian gần đây. Có thể nói là lòng tốt, niềm tin của chúng ta đã bị thử thách và có suy giảm. Có cá nhân này, cá nhân kia xà xẻo ngân quỹ, có quỹ không được điều tiết một cách bài bản, khoa học. Có nhiều ví dụ xà xẻo làm mất niềm tin chỗ này chỗ khác, thậm chí người ta lợi dụng danh nghĩa để vụ lợi cho một nhóm người, lòng tin xã hội bị giảm sút bởi chính các ví dụ như thế.

Các đoàn xe cứu trợ mang lương thực từ khắp nơi đổ về hỗ trợ người dân vùng lũ Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: A.TÙNG

Thiện nguyện cũng cần bài bản

. Phải chăng cũng vì điều đó mà rất nhiều người đã gửi gắm niềm tin vào ca sĩ Thủy Tiên trong các đợt vận động hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ?

+ Tôi nhìn nhận hành vi nghĩa hiệp của ca sĩ Thủy Tiên hay những thành viên xã hội khác như một lời thách đố với những thiết chế khác. Có điều việc huy động cứu trợ, hoạt động từ thiện, thiện nguyện nói chung nên được tổ chức bài bản, chính quy đầy đủ, kết hợp với các lực lượng xã hội để không dẫn đến việc chồng chéo cũng như sự tùy hứng, thậm chí tùy tiện của cá nhân. Hoàn toàn có thể nói hoạt động của ca sĩ Thủy Tiên rất đáng ca ngợi. Có chuyện mất lòng tin cho nên người ta mới hùn hạp, đưa tiền của người ta vào cho những cá nhân này, cá nhân khác để thực hiện hành vi nghĩa hiệp thay họ. Đó là một phép thử, thời cơ để cho thấy lòng tin xã hội của chúng ta không chỉ bị thách thức mà vốn nó bị kéo xuống thấp từ trước đó.

. Sự tùy hứng trong công tác từ thiện, cứu trợ như ông nói tới là gì, thưa ông?

+ Ví dụ, cá nhân làm từ thiện có thể cho nhà này 8 triệu đồng, có thể cho nhà khác 100 triệu đồng xuất phát từ việc nghe được hoàn cảnh thế này thế kia nhưng không phải lúc nào người đó cũng có thời gian để nghe hết câu chuyện. Hơn nữa, với lượng người ồ ạt đến để nhận hỗ trợ đông như vậy sẽ dẫn đến tình trạng người có thành ý đến mấy cũng phát cáu, cũng như tình trạng tồn đọng, dồn ứ, trùng lặp. Nếu như không có sự phối hợp làm việc với nhau một cách khoa học còn có thể dẫn đến hệ lụy.

Biến cố là dịp kiểm chứng lòng tốt của người Việt luôn tồn tại

Người Việt chúng ta không ai mong chờ những sự kiện bi đát, không ai mong chờ tai ương, địch họa hay những hệ lụy khác ập đến trong đời sống xã hội để rồi có cơ hội cho cộng đồng người Việt thể hiện, biểu tỏ đạo nghĩa “Thương người như thể thương thân”. Nhưng rõ ràng là khi có những biến cố này, chúng ta kiểm chứng được rằng lòng tốt, tinh thần nhân văn vẫn đang tồn tại trong đời sống xã hội mặc dù trong cơn lốc của cơ chế thị trường khiến người ta tưởng rằng nó đã bị lãng quên, bị mai một đi nhiều.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình 

Lòng tốt đang trở thành một trào lưu

. Nhìn rộng ra, ông cảm nhận thế nào về những nghĩa cử gần đây của cộng đồng với những người dân chịu ảnh hưởng của bão lũ?

+ Chúng ta có thể nhận thấy thông qua những sự chia sẻ đó cho thấy cái tốt dường như có ở trong mọi người, vấn đề là ai kích hoạt được nó và người ta có đủ điều kiện để thực hiện lòng tốt đó không hoặc người ta để cái xấu, cái ác lấn át. Chúng ta cũng đừng quá khích cho rằng những nhân vật ưu tú, những con người đáng làm ngôi sao mới có sẵn điều đó. Hơn nữa, cứu trợ trực tiếp từ cá nhân, tổ chức sẽ nhanh chóng lấp đầy được những đồng tiền của Nhà nước dành cho công cuộc xóa đói giảm nghèo đều năm này qua năm khác, “miếng bánh” đó mới là căn bản, mọi người hay quên chuyện đấy đi.

Cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt. Bạn đọc của báo Pháp Luật TP.HCM đang chung tay góp công, góp của nhằm san sẻ những khó khăn với đồng bào miền Trung. Với sự lan tỏa và tương tác mạnh mẽ của mạng xã hội, việc người dân tham gia huy động các nguồn lực càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp, khẩn thiết đến mỗi người, khi lòng tốt được kích hoạt, nó tạo ra những giá trị gì không, thưa ông?

+ Chúng ta thấy vui mừng, tự hào rằng điều đó đang trở thành một trào lưu. Trào lưu đó đang lôi cuốn mạnh mẽ để đánh thức, để thắp lại toàn bộ tinh thần nhân văn trên bình diện cả nước. Chuyện đó đang làm cho những người khác đã bị suy giảm lòng tốt cũng đang quay trở lại, những ai đó đã bị sự thờ ơ, vô cảm lấn át, chế ngự cũng đang được lôi kéo trở lại để nhập cuộc vào trong tinh thần đó của dân tộc. Thế nên không phải ngẫu nhiên chúng ta phải đợi đến dịp để đánh thức, để khơi dậy, để chiêm ngưỡng trở lại chủ nghĩa nhân văn của người Việt.

. Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Những hành động đẹp về chuyện hỗ trợ người miền Trung

Cơn lũ chưa đi qua, bão dữ lại đến đã đẩy biết bao gia đình ở miền Trung vào cảnh khó khăn chồng chất. Cùng với đồng bào cả nước, nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước đã chung sức, chung lòng triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng về miền Trung thân yêu. Trong đó có những hành động nhỏ nhưng hết sức có ý nghĩa về tinh thần tương thân tương ái hướng về miền Trung ruột thịt.

Chiều 21-10, bà Trần Thị Cháu (93 tuổi) sống neo đơn ở vùng nông thôn xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An ôm thùng mì tôm nhờ chuyển cho người dân vùng lũ. Khi cụ Cháu thấy xe tải chở hàng từ thiện đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để hỗ trợ người dân đang bị lũ lụt, cụ liền ôm thùng mì tôm ra ủng hộ. “Bà có thùng mì ni thôi, nhờ các chú gửi vào cho đồng bào lũ lụt” - cụ Cháu nói.

Lòng tốt đã ‘thắp’ lại tinh thần nhân văn ảnh 2
Cụ bà 93 tuổi ở Nghệ An có nghĩa cử đẹp lay động lòng người. Ảnh: FB 

Tối 22-10, trong một chuyến ra miền Trung để làm từ thiện, đoàn xe khách chở 43 người đã ghé quán cơm Long Khánh ở khu phố Nông Doanh, phường Xuân Tân, TP Long Khánh, Đồng Nai. Sau khi dùng bữa, những vị khách gọi nhân viên để trả tiền nhưng đã bất ngờ với những gì họ nhận được. Nhân viên của quán cơm nhẹ nhàng nói: “Cô chủ con miễn phí cho các đoàn từ thiện ạ! Cô dặn bất kỳ đoàn nào đi xe treo băng rôn từ thiện đều không lấy tiền ăn uống, tắm rửa, giặt giũ”.

Những ngày qua, anh Phạm Văn Minh, giám đốc điều hành công ty vận chuyển, đã thuê xe chạy những chuyến xe 0 đồng để chở hàng cứu trợ. Những người làm từ thiện ở khắp nơi gọi điện thoại cho anh Minh xin xe hỗ trợ, anh Minh sẽ điều phối xe và nhân viên xuống tận nơi gom hàng và chở về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… 

Mới đây, khi một chiếc xe tải chở hàng cứu trợ ra miền Trung làm từ thiện thì bị một ô tô khác ép dừng. Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì tài xế xe tải thấy chủ nhân chiếc ô tô đến dúi 2 triệu đồng vào tay mình. Người chạy ô tô nói vội: “Đi cứu trợ miền Trung hả em? Anh gửi 2 triệu bồi dưỡng bác tài ăn uống dọc đường. Bình an nghen!”.

NGUYỄN HIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm