Ngày 31-3, kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá 13 đã thông qua nghị quyết về giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong đó có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch.
Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá 13 được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến tại 15 điểm cầu gồm 2 điểm cầu trung tâm tại trụ sở Tỉnh uỷ và 13 điểm cầu tại các phòng họp trực tuyến thuộc 13 địa phương trực thuộc.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thông qua 8 nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, chính sách hỗ trợ giáo dục. Nổi bật trong số các nghị quyết được thông qua là nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
HĐND tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỳ họp trực tuyến ban hành chính sách hỗ trợ người nghèo, viên chức đơn vị sự nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Theo đó, ngoài việc chuẩn bị nhân lực, vật lực phòng chống dịch, sẵn sàng áp dụng biện pháp khẩn cấp, cắt giảm chi tiêu dành nguồn lực chống dịch, động viên hỗ trợ kịp thời lực lượng chống dịch, tỉnh Quảng Ninh sẽ có chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn.
Cụ thể, người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Quảng Ninh bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/ người/ tháng, tối đa không quá 3 tháng, bắt đầu tính từ tháng 4.
Viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không lương do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà đơn vị không đủ nguồn tài chính chi trả cũng sẽ được nhận hỗ trợ mức tương tự 1 triệu đồng/ tháng, tối đa không quá 3 tháng.
Tỉnh Quảng Ninh sẽ trích tối đa 4% tổng chi ngân sách cho dự phòng ngân sách các cấp, đồng thời điều chỉnh lấy 600 tỷ từ các nguồn kinh phí khác để dự phòng nguồn lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19, thiên tại, dịch bệnh. Ngoài ra tỉnh này cũng sẽ vận động nguồn kinh phí xã hội hoá từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phòng chống dịch.
Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng xác định 4 TP trực thuộc gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí tự chủ động nguồn dự phòng ngân sách địa phơng cho phòng chống dịch. Các huyện, thị xã khác chưa tự cân đối được ngân sách, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% từ ngân sách tỉnh.