Không tính hai ca nhiễm COVID-19 trú tại TP Thủ Đức và quận 7 phát hiện cách đây ít ngày, TP xác định đang tồn tại hai chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong quán ăn gồm: Ba mẹ con bán bánh canh, quán O Thanh tại quận 3 và người đàn ông 63 tuổi là chủ quán cơm ở quận Gò Vấp. Cả hai chuỗi lây nhiễm này, TP đều chưa tìm ra được nguồn lây.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại một quán nhậu
ở phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh : NGUYỆT NHI
Đẩy mạnh truy vết và xét nghiệm diện rộng
Sáng 21-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu: Nhìn chung, TP vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực. Vì vậy, ông yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải bình tĩnh, tập trung cao độ từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút để chống dịch; nếu lơ là, chủ quan, hậu quả sẽ rất nặng nề.
Với các ca lây nhiễm mới, ông yêu cầu các sở/ngành, quận/huyện và TP Thủ Đức phải xác định công tác chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và khẩn cấp nhất hiện nay. “Mọi người phải cùng hành động vì sức khỏe của người dân TP. Đó là mệnh lệnh cao nhất!” - ông Phong nói.
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, muốn chống dịch được tốt nhất phải kiểm soát được sáu nhóm nguy cơ. Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu đi đầu để vận động người thân trong gia đình cùng phòng chống dịch.
Đối với Sở Y tế, ông Phong yêu cầu đẩy mạnh truy vết các ca nhiễm và xét nghiệm trên diện rộng đối với khu vực có ca nhiễm trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát toàn bộ danh sách các trường hợp đã đến các địa phương có ca nhiễm từ ngày 1-5 đến nay để có biện pháp xử lý cho phù hợp.
Chỉ đạo các phòng khám tư, nhà thuốc trên địa bàn khi phát hiện có người dân ho, sốt, khó thở thì phải lập danh sách và đến báo ngay cho cơ sở y tế trên địa bàn. Cùng với đó là phải công bố các bệnh viện an toàn phòng chống dịch trước ngày 25-5, Sở Y tế phải chỉ đạo cho BV Bệnh nhiệt đới khẩn trương giải trình gen đối với các ca nhiễm mới để chủ động trong phòng chống dịch.
Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, ông Phong cho biết hiện nay có 280.000 lao động và 3.000 chuyên gia. Vì vậy, ông yêu cầu ban quản lý đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đột xuất việc phòng chống dịch tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Dừng hoạt động các cơ sở, khu vực nếu không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch cho đến khi khắc phục xong.
Rà soát chặt chẽ việc hoạt động của các lao động, chuyên gia làm việc trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao để ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lao động nhập cảnh trái phép, người nước ngoài cư trú trái phép.
Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ xử nghiêm các cá nhân, tổ chức lơ là, thiếu ý thức trong khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
131 ca nhiễm mới trong ngày, Bắc Giang tiếp tục là điểm nóng Bộ Y tế tối 21-5 ghi nhận 57 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong nước, gồm Bắc Giang 39, Bắc Ninh 13, Đà Nẵng 2, Lạng Sơn 1, BV K Cơ sở Tân Triều 2. Như vậy, hôm qua Bộ Y tế ghi nhận thêm 131 ca COVID-19, hai ca tử vong, nâng tổng số ca mắc kể từ đầu dịch lên 4.941 ca, số khỏi là 2.689 trường hợp, số tử vong là 41 trường hợp. |
Người dân TP hạn chế ra đường khi không cần thiết từ 0 giờ ngày 22-5
Đến chiều tối 21-5, UBND TP.HCM có văn bản khẩn gửi các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo tạm dừng hoạt động một số loại hình kinh doanh dịch vụ gồm cơ sở vật lý trị liệu; massage; xông hơi; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc; sân khấu kịch; rạp chiếu phim; trung tâm - nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; vũ trường, quán bar; karaoke; hát với nhau; pub; beer club; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập Internet; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà; các trung tâm thể dục thể thao và các khu tập luyện thể thao công cộng trên địa bàn TP.
Đồng thời tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện và các công viên trên địa bàn TP, chú ý thực hiện giãn cách và hạn chế tập trung đông người.
Với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, UBND TP yêu cầu tạm dừng hình thức phục vụ tại chỗ đối với các hộ gia đình hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; tăng cường hình thức bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến; người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Các nhà hàng, kể cả nhà hàng trong khách sạn được hoạt động nhưng phải bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa hai người từ 2 m trở lên, không phục vụ quá 20 người trở lên cùng một lúc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.
Ngoài việc kiểm tra trực tiếp các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện hình thức phạt nguội qua hệ thống camera.
TP.HCM cũng tạm dừng tất cả hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến; không tổ chức các cuộc họp tập trung trên 30 người tham dự trong một phòng. Cấm tụ tập nhiều hơn 20 người ở bên ngoài các công sở, trường học và bệnh viện.
Đồng thời tổ chức đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang ngay tại cửa ra vào đối với tất cả mọi người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác của các cơ quan, đơn vị.
Hoạt động vận tải khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, trung chuyển, xe buýt: Tất cả các chuyến xe đều phải đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến, hành khách buộc phải mang khẩu trang, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.
Hoạt động vận tải khách bằng taxi và ô tô dưới chín chỗ ứng dụng công nghệ vẫn được duy trì hoạt động nhưng thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.
Không vận chuyển hành khách không chấp hành theo quy định. Đề nghị không sử dụng hệ thống điều hòa và mở cửa kính xe trong quá trình phục vụ hành khách.
Sở TT&TT tuyên truyền, nhắc nhở người dân hạn chế ra đường khi không cần thiết.
Thời gian áp dụng các nội dung nêu trên bắt đầu từ ngày 22-5 cho đến khi có thông báo mới.•
Xử lý nghiêm hai phòng khám vi phạm quy định chống dịch Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng có sự lơi lỏng, không nghiêm túc ở các phòng khám. Cụ thể, trường hợp nữ bệnh nhân đến Phòng khám đa khoa Medic Hòa Hảo, mặc dù bệnh nhân đã có biểu hiện bệnh khá rõ ràng nhưng sau khi khám, phòng khám này không có động thái kiểm soát nguy cơ bằng khai thác dịch tễ, cách ly, xét nghiệm… mà hướng dẫn bệnh nhân sang BV Phạm Ngọc Thạch. Tương tự, Phòng khám y khoa Quang Trung (quận Gò Vấp) - nơi nam bệnh nhân 63 tuổi mắc COVID-19 đến khám ngày 19-5. Mặc dù nam bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở, giảm vị giác nhưng Phòng khám y khoa Quang Trung không thực hiện các biện pháp xử lý nguy cơ theo quy định mà hướng dẫn bệnh nhân đến BV Phạm Ngọc Thạch. Vì vậy, ông Dương Anh Đức cho rằng cần biểu dương việc xử lý chuẩn xác của BV Phạm Ngọc Thạch đã giúp phát hiện 😅ra hai trường hợp nhiễm mới này. Đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm hai phòng khám vi phạm các quy định chống dịch. |