Vị cứu tinh của đồng hồ cổ

Anh Đỗ Thế Tuấn (đường Bà Hạt, quận 10, TP.HCM) ngồi lặng ngắm chiếc đồng hồ cổ xuất xứ từ Thụy Sĩ do một khách hàng mang đến. Đó là một chiếc đồng hồ làm bằng vàng nguyên khối, chế tác tay, sản xuất trước Thế chiến II.

Chủ của chiếc đồng hồ là anh Thanh (quận Phú Nhuận) giữ gìn rất kỹ như một bảo vật, dù anh không phải dân sưu tầm đồng hồ cổ. Anh cho biết đó là món quà cha anh được tặng và sau đó ông tặng nó cho anh. Từ lâu chiếc đồng hồ đã ngừng chạy. Anh giữ nó bên cạnh để nhắc nhở mình thời gian cuộc đời là hữu hạn, không được phung phí.

Trong một lần anh kể cho bạn về chiếc đồng hồ, bạn anh khuyên mang đến cho anh Tuấn phục chế. Ngay khi trao cho người thợ phục chế, anh Thanh đã bất ngờ khi nghe người thợ nói đúng tên, xuất xứ và đặc điểm chi tiết của chiếc đồng hồ. Hiện không nơi nào có phụ tùng thay thế để sửa chiếc đồng hồ nhưng anh Tuấn hẹn sẽ làm chiếc đồng hồ “sống lại” sau hai ngày.

Tự chế đồ để sửa ngon lành

Anh Tuấn dùng kính lúp soi từng chi tiết nhỏ, phát hiện một chi tiết mỏng mảnh bằng vàng bị đứt. Anh nói: “Thợ phục chế phải tự chế ra đồ để sửa. Bởi vậy sửa đồng hồ thì dễ, phục chế mới khó khăn”. Anh lấy trong tủ kiếng những chiếc đồng hồ đã “chết hẳn” mà người ta bán lại, được anh lưu giữ rất cẩn thận. Anh mở ra một chiếc, lấy một chi tiết trong đó, cắt sửa vừa vặn rồi gắn vào chiếc đồng hồ của anh Thanh. Sau đó anh lên dây cót, gần như nín thở. Chiếc kim giây không nhúc nhích. Một giây... hai giây... ba giây sau, nó bắt đầu nhúc nhích và tích tắc chạy đều đều. Anh Tuấn cười rất vui: “Bác sĩ cứu được người ta sống lại vui cỡ nào thì cảm giác của tôi vui y vậy đó”.

Anh Đỗ Thế Tuấn vừa “độ” lại một chiếc đồng hồ. Ảnh: H.MINH

Người này giới thiệu cho người kia, nhiều người mang đến cho anh những chiếc đồng hồ treo tường khung gỗ, có tuổi thọ cả trăm năm. 

Có những người yêu quý tay nghề của anh, xin thử học nghề nhưng rồi không ai theo nổi. Bởi đồng hồ cổ có thị trường quá hẹp, kiếm sống được là rất khó. Khó hơn nữa là người thợ cần đủ đam mê, năng khiếu và kinh nghiệm. Họ cần phải sáng tạo, tự chế ra đồ để “độ” đồng hồ cổ. Những điều đó không trường lớp nào dạy được.

Anh Tuấn có những khách hàng thân thiết thuộc giới sưu tầm. Có người có đến hơn trăm chiếc đồng hồ cổ. Anh Tuấn chia sẻ: “Người chơi đồng hồ cổ, họ là người giàu có mới theo đuổi nổi đam mê. Họ tinh tế, trầm tính, nội tâm, có thể là khó tính. Cách chơi đồng hồ cổ nói lên rất nhiều về con người”. Theo anh Tuấn, ngay cả người làm nghề phục chế, nếu không kiên nhẫn và điềm tĩnh rất khó theo nghề.

“Con mê đồng hồ quá, con sẽ theo nghề này!”

Anh Tuấn thích sửa đồng hồ từ khi anh chỉ mới 13, 14 tuổi. Lúc đó cha anh có một tủ cóc sửa đồng hồ gần chợ. Đi học về là anh xin cha cho phụ việc. Dần dần anh được cha tin tưởng giao sửa những chiếc đồng hồ đắt tiền, còn ông ở bên giám sát và chỉ thêm. Anh nói với cha: “Con mê đồng hồ quá, con sẽ theo nghề này”.

Dòng đồng hồ cổ nhất mà anh Đỗ Thế Tuấn đã sửa chữa thành công và mua lại được là đồng hồ Vacheron Constantin, sản xuất năm 1900 tại Thụy Sĩ. 

Cha anh là người chuyên sửa chữa, phục chế đồng hồ được nhiều người biết đến, nhiều học trò xin học nghề. Hơn 30 năm trước, đồng hồ là một tài sản lớn, người ở thành phố rất thích đeo đồng hồ, cha anh kiếm sống khá dễ dàng. Thợ ở tỉnh khi nhận đồng hồ nhưng không sửa được cũng mang lên nhờ cha anh làm. Tiệm sửa đồng hồ nhỏ xíu của ông nuôi sống cả nhà. Hai anh của anh cũng học nghề sửa đồng hồ. Nhưng rồi thị trường thay đổi quá nhanh, các loại đồng hồ mới ra đời, chạy rất chuẩn, không dễ bị hư như đồng hồ cổ, giá cũng không còn quá mắc. Khách đến tiệm chỉ yêu cầu thay pin, thay quai, sửa lặt vặt. Thu nhập của thợ sửa đồng hồ giảm sút nhanh chóng. Các tiệm có mặt bằng mua bán thêm đồng hồ điện tử, đồng hồ đời mới đủ tính năng, mẫu mã đẹp, chống vô nước. Cha anh thấy nghề sửa đồng hồ khó kiếm tiền đã khuyên các con chuyển nghề. Hai anh của anh cũng đã làm nghề khác. Anh Tuấn chiều theo thị trường, chuyển qua sửa đồng hồ đời mới. Nhưng anh vẫn nhớ cảm giác được nhìn ngắm một bộ máy thời gian cổ xưa với niềm hạnh phúc không gì thay thế được. Vợ anh hiểu, động viên anh vững tâm theo nghề. Anh vừa sửa chữa đồng hồ đời mới, vừa tìm đồng hồ cổ để phục chế. Dần dần anh được nhiều người biết đến và có khách hàng thường xuyên.

Với người có đam mê, một chiếc đồng hồ cổ nhìn rất bình thường nhưng càng nhìn càng say. Họ thích đồng hồ như một tín đồ, chỉ theo đuổi một dòng hoặc một thương hiệu nhất định. Đồng hồ cổ khi được đưa về Việt Nam ắt có vài chỗ lỗi hoặc hỏng. Họ lại tìm đến anh.
Con trai anh 10 tuổi cũng đã mê nghề. Khi rảnh, anh hay lau đồng hồ và kiểm tra. Con anh cũng đòi phụ việc cha như anh khi xưa. Anh khuyên con chỉ nên theo nghề khi có đam mê. Thị trường dù hẹp nhưng nếu giỏi nghề, cuộc sống luôn dành một cơ hội cho con.

“Tuấn rất giỏi nghề và thiệt thà”

Tôi mê sưu tập đồng hồ cổ mấy năm trở lại đây. Hiện bộ sưu tập của tôi đều là đồng hồ xuất xứ từ Thụy Sĩ. Các đồng hồ cổ phải bảo trì, lau dầu thường xuyên. Nghề chơi nào cũng công phu. Tôi đã tìm kiếm thợ lành nghề, đến khi gặp Tuấn thì tôi rất vui vì Tuấn rất giỏi nghề và thiệt thà. Ban đầu tôi là khách, sau này là hai anh em. Chúng tôi chia sẻ cùng nhau niềm đam mê đồng hồ cổ, cuộc sống vui hơn rất nhiều.

Anh VÂN SƠN, quận Gò Vấp, khách sửa đồng hồ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm