Những ngày qua, trên tuyến xa lộ Hà Nội (XLHN) đồng loạt triển khai các dự án lớn nên đã biến tuyến cửa ngõ này thành tuyến đường “đen” với hàng loạt điểm luôn ẩn chứa tai nạn giao thông…
Xe máy vào luồng xe container
Từ đầu tháng 11, đường song hành XLHN, đoạn từ dưới chân cầu Rạch Chiếc đi ngang qua tòa nhà The Vista được rào chắn lại để thi công nhà ga Rạch Chiếc thuộc dự án tuyến đường sắt số 1, Bến Thành - Suối Tiên. Toàn bộ xe máy hướng vào nội đô đi theo đoạn song hành này buộc phải đi chen vào luồng xe các loại trên XLHN. Điều đáng nói, luồng xe máy đi thẳng bị cắt chéo với luồng xe ô tô, xe container đi lên cầu vượt Cát Lái. Dù Sở GTVT mới lắp đặt trụ đèn tín hiệu trước điểm giao cắt này nhưng xe ô tô, xe container theo quán tính đây là phần đường của mình nên cứ phăm phăm qua điểm giao, cắt ngang mặt luồng xe máy đang lưu thông. Chỉ khi CSGT có mặt thì xe ô tô, xe container mới theo tín hiệu đèn. Nhưng do thời lượng đèn đỏ dài nên vào giờ cao điểm buổi sáng xe máy phải dừng, dồn ứ trên cả cầu Rạch Chiếc.
Theo Thiếu tá Bùi Minh Phước - Phó Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái, do bị ùn tắc vào giờ cao điểm, nhiều người đi xe máy sợ trễ giờ làm việc nên vẫn phóng bừa qua điểm giao dù đèn đã đỏ và có mặt CSGT để đi cắt qua trước mũi xe container. “Chúng tôi đã đề nghị Sở GTVT tăng thời lượng luồng xe máy và giảm thời lượng luồng xe ô tô ở điểm giao này để loại trừ ùn tắc vào giờ cao điểm nhưng chưa được điều chỉnh. Sự chậm trễ này làm nguy cơ tai nạn ở đây tăng cao!” - Thiếu tá Phước nói.
Một vụ tai nạn giao thông trên xa lộ Hà Nội. Ảnh trong bài: Lưu Đức
Ngã tư biến thành điểm đen
Từ đầu năm 2014, đường Nguyễn Văn Bá, đoạn ngay ngã tư Tây Hòa bị hàng rào chắn chiếm dụng để xây dựng tuyến metro số 1. Trước đây, xe container ra vào cụm cảng ICD Tanamexco, cảng ICD Transimex Sài Gòn có thể đi bên nách đường Nguyễn Văn Bá để ra XLHN nhưng nay thì không thể. Các luồng xe ra vào cụm cảng trên chỉ còn cách đi thẳng trên đường số 1 để ra ngã tư XLHN - Tây Hòa. Điều này làm xe container ra vào cảng liên tục bị ùn ứ trên tuyến đường số 1 kéo dài đến giao lộ XLHN - Tây Hòa trong nhiều giờ liền.
Theo ông Vũ Kiến Thiết - Giám đốc Khu quản lý Giao thông đô thị số 2, để giải quyết điểm đen, ùn tắc này thì phải sớm triển khai dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp đường số 1. Dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Riêng rào chắn tuyến metro thì phải sau năm 2017 mới tháo dỡ. “Như vậy điểm đen Tây Hòa sẽ tồn tại nhiều năm nữa!” - ông Thiết nói.
Từ đầu tháng 11, một phần ngã tư Thủ Đức được rào chắn, bó hẹp lại để thi công trụ cầu cạn thuộc dự án tuyến đường sắt số 1. Nhánh rẽ phải từ đường Võ Văn Ngân ra XLHN từ lâu là lối thoát thoáng cho cả xe máy và ô tô nay chỉ có xe máy thoát qua chầm chậm. Còn ô tô thì phải đi lên ngã tư, rẽ phải mới thoát đi được.
Riêng nhánh rẽ phải từ XLHN vào đường Võ Văn Ngân được rào chắn toàn bộ mặt đường để làm trụ cầu cạn metro. Các loại xe phải lưu thông một chiều trên đường tạm rộng chưa tới 5 m từ XLHN rẽ phải vào đường Võ Văn Ngân. Do cả hai nhánh rẽ từ Võ Văn Ngân ra XLHN và ngược lại bị bó hẹp nên vào giờ cao điểm xe máy, xe ô tô đều phải dồn vào ngã tư rồi mới rẽ phải được. “Điều này làm cho mật độ xe đi thẳng, rẽ phải, rẽ trái cùng dồn vào ngã tư, nguy cơ va quẹt rất cao và thường xuyên!” - ông Lê Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT số 5, cho biết.
Tai nạn rình rập
Hiện đoạn XLHN từ cầu vượt Trạm 2 đến Nghĩa trang TP là đại công trường với ba công trình: tuyến metro số 1, nút giao trước ĐH Quốc gia và mở tuyến song hành XLHN. “Công trường nối tiếp công trường, biển báo không rõ ràng, không có người của chủ đầu tư đứng ra báo hiệu, điều hòa, còn các loại xe đi thẳng, xe quẹo ra cứ tranh nhau trên phần mặt đường bị bó hẹp, lổn nhổn đá và bụi mù nên rất nguy hiểm. Nhiều vụ va quẹt, tai nạn đã xảy ra!” - ông Tuấn cho biết.
Chưa hết, nhiều đoạn đường đắp hướng từ TP về cầu Đồng Nai cao hơn mặt đường hiện hữu và các đường rẽ cả mét. Thiếu tá Nguyễn Văn Hội, Đội trưởng CSGT Rạch Chiếc, cho biết đường đắp mới cao đang gây nguy hiểm cho xe từ các đường rẽ ngang ra. Thời gian qua đã có ba vụ tai nạn làm chết ba người vì đường đắp cao, che khuất tầm nhìn và xe phải nhấn ga để vượt qua. “Trước mắt là thế, còn về lâu dài, đường đắp cao này biến khu vực và đồn CSGT chúng tôi thành… ao nuôi cá!” - Thiếu tá Hội nói.
Điểm đen tăng, tai nạn nhiều Năm 2011, nút giao Thủ Đức cầu vượt Trạm 2 là điểm đen với ba vụ TNGT, ba người chết. Năm 2012, tại điểm này số vụ và số người chết giảm xuống chỉ còn 1-1. Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, khi mở rộng XLHN và đường song hành, khu vực này lại thành điểm đen với ba vụ, bốn người chết, ba người bị thương. Theo một chuyên viên Ban An toàn giao thông, tai nạn xảy ra phần lớn ở các khu vực thi công dự án mở rộng XLHN với những đoạn đường cong, chuyển hướng qua khu vực công trường bất ngờ… “XLHN sẽ là tuyến đường đen trong nhiều năm nữa vì có nhiều công trình phải đến sau năm 2017 mới xong!” - vị này nói. |