Sổ tay

Xác nhận độc thân: Quy định mới làm khó người dân

(PLO)- Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (quận 3, TP.HCM) khi xin cấp giấy xác nhận độc thân phải mất thời gian chờ phường gửi văn bản xác minh dù trước đó từng được cấp giấy xác nhận này đến hai lần.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Có việc này bởi ở hai lần cấp giấy xác nhận trước đây cho bà Hà, pháp luật chỉ quy định nếu người có yêu cầu không chứng minh được tình trạng hôn nhân ở nơi mình đã cư trú thì chỉ cần viết cam đoan là xong. Thế nhưng ở lần xác nhận thứ ba này, theo quy định mới thì phải chờ văn bản xác minh.

Quay lại thời gian trước khi Luật Hộ tịch có hiệu lực (1-1-2016), việc cấp giấy xác nhận độc thân cho người có yêu cầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định 158/2005 và Thông tư 01/2008 của Bộ Tư pháp. Theo đó, thủ tục xin cấp giấy này dựa trên nguyên tắc cho phép người dân tự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm.

Thế nhưng kể từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực (1-1-2016) và Nghị định 123/2015 ra đời thì việc xin cấp giấy xác nhận độc thân không còn dễ như trước.

Khoản 4 Điều 22 Nghị định 123/2015 quy định: Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Nếu người đó không chứng minh được thì UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đó từng đăng ký thường trú xác minh về tình trạng hôn nhân.

Nếu không nhận được kết quả xác minh, người dân phải mất thêm khoảng thời gian chờ phường gửi văn bản xác minh và nếu việc xác minh không có kết quả thì chờ đến tận 20 ngày sau mới được viết cam đoan. Như vậy, người dân phải mất nhiều thời gian chờ đợi và có thể bị lỡ việc.

Nên chăng trước việc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang dần hoàn thiện, chỉ cần cho người dân làm cam kết và tự chịu trách nhiệm trong những trường hợp này mà không cần văn bản xác minh.

Trường hợp yêu cầu xác nhận lại từ lần hai trở đi (như trường hợp của bà Hà) thì địa phương chỉ cần dựa vào hồ sơ lưu hoặc giấy xác nhận trước đó được người dân cung cấp. Việc xác minh chỉ cần thực hiện từ thời điểm có giấy xác nhận trước đó đến thời điểm hiện tại.

Có như vậy, thời gian giải quyết hồ sơ mới được rút ngắn, bớt gây mệt mỏi cho cả người dân lẫn cán bộ tư pháp - hộ tịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm