Xài 100 triệu đồng/tháng có tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 23/2019/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 7-1-2020.

Theo đó, tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của một khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở) tối đa 100 triệu đồng/tháng.

Trừ trường hợp ví điện tử cá nhân của người có ký hợp đồng/thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử.

Tại diễn đàn ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2019 vừa diễn ra cuối tuần qua, lãnh đạo một số đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử cho rằng quy định chưa cho phép người dùng nạp tiền trực tiếp vào ví mà vẫn phải kết nối với tài ngân hàng để thanh toán các sản phẩm, dịch vụ là một trong những rào cản. Bởi quy định này khiến những người chưa có tài khoản ngân hàng không thể tiếp cận dịch vụ này.

Trước đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng nên cân nhắc giới hạn 100 triệu đồng/tháng bởi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng nhanh, chi tiêu dùng rất lớn. Hơn nữa, ở mức 100 triệu đồng/tháng cũng chưa có nguy cơ cao về đánh bạc hay rửa tiền.

Cũng theo thông tư mới này, khách hàng sử dụng ví điện tử sẽ bị nghiêm cấm việc dùng ví để thực hiện các giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví…

Đáng chú ý, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào ví điện tử.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có khoảng 30 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam như Napas, Momo, Airpay, Payoo, VNPT Pay, Mobi Vi, Bảo Kim, Vimo, Moca, Ngân lượng, Viettel Pay, Zalo Pay… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới