Các doanh nghiệp Việt Nam đang bắt kịp xu hướng thế giới xây dựng tiêu dùng xanh vì nếu không thay đổi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi đầy khắc nghiệt trên thương trường.
Đừng để “nước đến chân mới nhảy”
Bằng cách thúc đẩy các hoạt động xanh, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những cơ hội mới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Có thế mạnh về xuất khẩu sản phẩm dimsum, một mặt hàng cao cấp và có giá cao, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện với lạm phát cao nhưng thời gian vừa qua Công ty Cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon đều đặn nhận đơn hàng và đạt các chỉ tiêu lợi nhuận tốt.
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Agrex Saigon, cho biết sức hút của sản phẩm bên cạnh yếu tố chất lượng còn chính là thực thi chiến lược xanh hóa doanh nghiệp toàn diện. Nhờ đó vượt qua được các rào cản kỹ thuật mà các thị trường xuất khẩu khó tính đặt ra.
Theo ông Long, người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường. Nắm bắt phân khúc khách hàng này sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự quan tâm ngày càng tăng của xã hội về các vấn đề môi trường và xã hội, phát triển bền vững đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững thường được khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng đánh giá cao. Điều này giúp xây dựng một hình ảnh thương hiệu tích cực và bền vững.
“Rất khó có chuyện làm nửa vời trong câu chuyện chuyển đổi kinh tế xanh vì sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức quốc tế. Họ có những phương pháp đo đếm định lượng rất rõ về tiêu chí xanh hóa doanh nghiệp, khiến mình khó có thể tranh cãi” – ông Phạm Hải Long chia sẻ.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng cho biết, trước đây yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu là do các nhãn hàng đặt ra, nhưng đến nay thì đã được luật hóa và với ngành công nghiệp da giày, các thị trường chính như Mỹ, EU… là những thị trường đòi hỏi rất cao.
Thị trường EU cũng bắt đầu đưa ra những yêu cầu về tiêu chuẩn xanh, đặc biệt là một loạt đạo luật đã được ban hành. Cụ thể như Đạo luật tra soát chuỗi cung ứng hay Đạo luật về chống phá rừng đã được thực hiện và sắp tới, hàng loạt các đạo luật mới như đạo luật về trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, dán nhãn sinh thái, thiết kế sinh thái… Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành da giày khi mà hai thị trường này chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu.
“Do đó, để xanh hóa doanh nghiệp cần nhanh chóng cải thiện minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường”- bà Xuân nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), các doanh nghiệp Việt phải nhận thức chuyển đổi xanh đã trở thành một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc chuyển từ nhận thức sang hành động vẫn còn là một thách thức nếu muốn xanh hóa doanh nghiệp.
"Xanh hóa doanh nghiệp ngay từ bây giờ chứ không cần đợi phải có khách hàng yêu cầu thì mới thay đổi, lúc đó đã quá muộn và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Đặc biệt tâm lý "nước đến chân mới nhảy" vẫn còn hiện diện ở nhiều doanh nghiệp. Và họ chỉ làm nếu như thị trường đó có những thay đổi lớn và các quy định xanh tạo ra rào cản thâm nhập thị trường. Để không bị tụt hậu, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy, chủ động nắm bắt cơ hội và xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngay từ bây giờ" – ông Hòa nhấn mạnh.
Tầm nhìn dài hạn
Tiến sĩ Đào Lê Trang Anh, Đại học RMIT Việt Nam phân tích, với vai trò thiết yếu của năng lượng trong việc vận hành máy móc, các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng và sự biến động của thị trường năng lượng. Bất ổn năng lượng vì vậy đóng vai trò quan trọng trong các quyết định tài chính và kế hoạch chiến lược dài hạn xanh hóa doanh nghiệp sản xuất.
Cần tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tái chế
Ngành nhựa, bao bì Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức khi mỗi năm nhập và sử dụng hơn 7 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Chính vì vậy, câu chuyện tái chế để kiểm soát PFAS (hóa chất vĩnh cửu độc hại) cần được ngành nhựa, bao bì quan tâm nếu muốn thâm nhập thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật và EU...
Khi sản phẩm xuất khẩu vào Châu Âu, hay Mỹ, Nhật Bản nếu có hàm lượng tái chế thì sản phẩm mới được đánh giá cao. Do đó doanh nghiệp phải ý thức được vấn đề này và quyết tâm hơn trong đeo đuổi bằng được chiến lược hoạt động tái chế của mình. Doanh nghiệp phải cập nhật và chuyển giao công nghệ về tái chế liên tục.
Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế, và các doanh nghiệp nào cũng muốn làm tái chế vì tái chế có lợi.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam
Trong bối cảnh bất ổn năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào thiết bị mới, công nghệ và quy trình để đáp ứng các yêu cầu năng lượng mới, nhằm giảm tác động đến môi trường và nâng cao tính bền vững. Tương tự, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cũng cần có tầm nhìn dài hạn và chiến lược đầu tư phù hợp để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững.
“Tuy việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang mô hình bền vững có thể tạo ra chi phí cao và hiệu quả chưa ngay lập tức, các doanh nghiệp sẽ gặt hái được những lợi ích lớn và lợi thế cạnh tranh trong tương lai. Với tầm nhìn chiến lược và sự linh hoạt trong đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất có thể vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ trong một thế giới có nhiều biến động về năng lượng” – tiến sĩ Anh nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, xanh hóa doanh nghiệp là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa vốn, công nghệ, con người và các yếu tố khác. Doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống quản lý toàn diện để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra trơn tru và hiệu quả.
Con người là yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp cần đầu tư vào việc đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên để họ có thể vận hành và phát triển các giải pháp mới. Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ với các đơn vị cung cấp giải pháp sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận những công nghệ tiên tiến và kiến thức chuyên sâu.
“Để có thể triển khai xanh hóa doanh nghiệp thì các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần có một tầm nhìn rõ ràng và quyết tâm cao. Thứ hai, các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau vượt qua khó khăn. Đồng thời mạnh dạn kết nối với các cơ quan, hiệp hội và các doanh nghiệp khác để tìm kiếm sự hỗ trợ và giải pháp. Sự hợp tác sẽ giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh” – ông Hòa khuyến nghị.
DN cần được tiếp cận nguồn tài chính xanh
Nhà nước cần ban hành được những chính sách phù hợp để khuyến khích xanh hóa doanh nghiệp, đồng thời xây dựng được một hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng nhất. Tiêu chuẩn xanh cần rõ ràng, giúp cho các doanh nghiệp có cơ sở để nắm bắt và thực thi một các chuẩn xác nhất.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, quỹ tài chính về môi trường... để doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thuận lợi, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam