Các ông lớn ngành thép, sữa, phân bón... đang xanh hóa ra sao?

(PLO)- Chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng tất yếu, là ưu tiên trong định hướng phát triển của nhiều quốc gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những quy định mới như cơ chế CBAM (cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới), luật chống phá rừng (EUDR), tiêu chuẩn xanh trong dệt may, thoả thuận xanh Châu Âu... đã, đang và sẽ được triển khai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều doanh nghiệp cho biết đang nỗ lực để chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, mặc dù gặp không ít thách thức.

Định hướng phát triển bền vững từ rất sớm

Có một đặc điểm chung là các doanh nghiệp sản xuất lớn của Việt Nam có định hướng về phát triển bền vững từ rất sớm.

Đơn cử như với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất của Vinamilk, cho biết doanh nghiệp này đã thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững từ những năm 2010-2012. Khi đó, công ty bắt đầu cho vận hành các lò hơi Biomass giúp giảm phát thải khí nhà kính, cung cấp nhiên liệu sạch cho sản xuất.

Những năm sau đó, Vinamilk tiếp tục sử dụng các giải pháp giúp giảm lượng phát thải car-bon trong sản xuất, như sử dụng điện năng lượng mặt trời, sử dụng đèn Led chiếu sáng tiết kiệm năng lượng.

chuyển đổi xanh.jpg
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Tập đoàn Hoà Phát. Ảnh: HPG News.

“Hiện nay, các quốc gia như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản chưa có yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn xanh đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh hơn, sạch hơn đang có xu hướng gia tăng và đã có một số khách hàng yêu cầu Vinamilk phải sử dụng bao bì thân thiện hơn với môi trường. Và tất nhiên, tất cả những yêu cầu đó của khách hàng đều được đáp ứng” – ông Minh nói.

Với Tập đoàn Hoà Phát, ông Hồ Đức Thọ, Phó giám đốc Công ty CP Thép Hoà Phát Dung Quất, cho biết ngay từ năm 2007, khi triển khai đầu tư các khu liên hợp thép lớn, công ty đã đầu tư 30% tổng vốn cố định của dự án cho vấn đề môi trường, lựa chọn công nghệ khép kín, thân thiện nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Theo ông Thọ, quy trình khép kín thể hiện ở chỗ đầu ra của công đoạn này là đầu vào của công đoạn kia, tất cả diễn ra liên tục để giảm tiêu hao năng lượng. Đặc biệt giải pháp thu hồi nhiệt dư từ luyện than coke, khí dư trong quá trình luyện gang thép để phát điện đã giúp Hòa Phát tự chủ 90% tổng nhu cầu điện sản xuất mà không phải dùng thêm nguyên liệu đốt nào.

Đáng chú ý, để đáp ứng các yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu, nhất là quy định CBAM của EU, Hòa Phát đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 14064-1:2018 và ISO 14067:2018 cho các dòng, mã sản phẩm đang sản xuất.

“Đây là thành công bước đầu của Tập đoàn Hòa Phát trong việc chủ động cập nhật và thực hiện các giải pháp để đáp ứng, nâng cao năng lực theo các yêu cầu mới, rộng đường xuất khẩu cho các mã, dòng sản phẩm chất lượng cao khác của Thép Hòa Phát ở các thị trường trên toàn thế giới trong tương lai” - ông Thọ cho biết.

Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng và giá cả hàng hóa, họ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường và xã hội liên quan đến hàng hóa.

Áp lực về tài chính, công nghệ

Chuyển đổi xanh cũng là hướng đi mới và tất yếu của các doanh nghiệp ngành phân bón hiện nay để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết nhằm thực hiện việc giảm phát thải khí nhà kính, ngành phân bón đã, đang và tiếp tục thực hiện là giảm lượng phân bón sử dụng trên một đơn vị diện tích. Bởi theo FAO, hiện nay Việt Nam đang sử dụng hơn 400 kg phân bón vô cơ trên một ha, trong khi đó trung bình trên thế giới chỉ ở mức 135 kg/ha. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ một cách hợp lý.

ca mau_115.JPG
Chuyển đổi xanh cũng là hướng đi mới và tất yếu của các doanh nghiệp ngành phân bón hiện nay để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh, TS. Phùng Hà nhấn mạnh: Không thể giảm phát thải khí nhà kính nói riêng và chuyển đổi xanh nói chung khi không thay đổi thiết bị, công nghệ và quy trình công nghệ cũng như trình độ và nhận thức của người lao động.

Theo ông Hà, với khoảng 700 doanh nghiệp phân bón trong nước, các doanh nghiệp đã sản xuất được 70% nhu cầu, sản xuất được hầu hết các loại phân bón, trừ phân bón kali, SA, các loại phân bón thế hệ mới. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại nước ta vẫn sử dụng thiết bị đã cũ, công nghệ ở mức trung bình, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ mới, thiết bị mới.

Cùng với công nghệ, vốn đầu tư là một trong những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn lực tài chính hạn chế, rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như lãi suất thấp.

Ngoài khó khăn, quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp cũng được thúc đẩy bởi các điều kiện thuận lợi, tích cực. Đó là việc xây dựng nền kinh tế xanh, công nghiệp xanh, chuyển đổi xanh thân thiện với môi trường là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đảng và Chính phủ quan tâm, đã, đang và sẽ đẩy nhanh nhiều chương trình, dự án đồng thời tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, hành lang pháp lý.

Và ngày nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng và giá cả hàng hóa, họ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường và xã hội liên quan đến hàng hóa.

“Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh sẽ gắn liền với phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng, như thế sẽ thu hút khách hàng và tạo thiện cảm cũng như sự gắn kết với khách hàng, dẫn đến nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp"- TS. Phùng Hà nói.

Theo ông, chuyển đổi xanh không chỉ giúp phát triển bền vững mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp, thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu đầu vào, giảm lượng chất thải và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Từ đó doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí hoạt động và tăng cường hiệu suất.

Từ thực tế quá trình chuyển đổi xanh của Vinamilk, Giám đốc điều hành sản xuất Lê Hoàng Minh cũng đúc rút ra rằng khó khăn, trở ngại lớn nhất của quá trình này không gì khác chính là nguồn lực tài chính.

“Khi chuyển đổi đầu tư sang công nghệ mới xanh hơn thì phải có vốn mới chuyển đổi được. Nếu doanh nghiệp nào thiếu nguồn lực tài chính thì việc chuyển đổi sẽ rất khó khăn” - ông Minh nói.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Minh cũng chỉ ra một khía cạnh mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể áp dụng ngay trong quá trình chuyển đổi xanh. Đó là giải pháp về tiết kiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Cái gì có thể tiết kiệm được thì nên tiết kiệm, có các giải pháp để doanh nghiệp tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu, tiết kiệm bao bì, sử dụng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời mái nhà, năng lượng từ biomass, khí CNG… thay vì dùng năng lượng từ nguồn hoá thạch.

Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất rất đáng kể, đồng thời lượng tiết kiệm và chuyển đổi sang năng lượng sạch và xanh đó sẽ được quy đổi ra lượng giảm phát thải CO2 tương đương, giúp doanh nghiệp sản xuất được xanh hơn” - ông Minh nhấn mạnh.

Tư duy làm nông nghiệp rất hay

Tại Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” vừa diễn ra ngày 24-11, Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy đánh giá phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm và hướng đến được cấp và bán tín chỉ carbon là một tư duy làm nông nghiệp “rất hay”.

Ông cho hay, hiện nhu cầu phát triển trồng dâu nuôi tằm lớn, không chỉ trong nước và ngoài nước. Tại các địa phương vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc... đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế rất cao, theo ước tính có thể thu nhập từ 250 triệu đến 300 triệu đồng/ha/ năm.

“Nếu chúng ta đầu tư thêm, dùng phân hữu cơ, thuốc sinh học... áp dụng vào trồng dâu thì phát thải rất thấp có tiềm năng bán tín chỉ carbon. Sắp tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương và bà con.

Chúng ta hướng tới, xây dựng các phương thức cấp tín chỉ carbon không chỉ với các diện tích trồng dâu nuôi tằm, mà còn nhiều lĩnh vực khác của nông nghiệp để góp phần đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050”, Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh.

Trồng rừng để bù đắp phát thải cho các hoạt động sản xuất

Với quy định không gây mất rừng của EU, Vinamilk đã yêu cầu tất cả nguyên vật liệu hay bao bì mà có nguồn gốc từ rừng đều phải có chứng nhận FSC (là một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu) và chỉ mua bao bì có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo không vi phạm nguyên tắc gây mất rừng.

“Với những giải pháp chuyển đổi xanh đó, chúng tôi giảm được rất nhiều chi phí sản xuất và lượng phát thải carbon giảm đáng kể. Từ năm 2012 đến nay, tổng lượng phát thải của công ty đã giảm được 550-600 ngàn tấn CO2 tương đương, điều đó chứng tỏ sản phẩm của chúng tôi rất xanh, rất thân thiện với môi trường” - ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất của Vinamilk cho biết.

Ngoài ra, ông Minh cho hay Vinamilk cũng triển khai các dự án trồng rừng để bù đắp phát thải cho các hoạt động sản xuất, chăn nuôi. Hiện nay, doanh nghiệp này đã phát triển được 25 ha rừng ở Cà Mau; từ năm 2012 đến 2021 đã trồng được 1,2 triệu cây xanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm