BV Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 có tổng diện tích là 123.000 m2 và 125.000 m2, đáp ứng 5.000 và 3.500 lượt khám mỗi ngày, quy mô 1.000 giường bệnh nội trú cho mỗi BV. Đây là hai BV được xây dựng theo hướng thân thiện với bệnh nhân, máy móc hiện đại, kỹ thuật cao, theo chuẩn quốc tế, ngang tầm BV của các nước tiên tiến.
Trong những năm qua, Chính phủ đã có chủ trương đầu tư xây mới, mở rộng hàng loạt BV lớn cấp quốc gia, BV đa khoa khu vực, BV đa khoa tỉnh, BV đa khoa quận/huyện, chi phí xây dựng lên đến hàng chục tỉ đồng. Theo tôi, nếu ngành y tế chỉ nỗ lực xây thêm BV, mua sắm thiết bị, máy móc y tế, đào tạo bác sĩ, điều dưỡng viên không thôi thì vẫn chưa đủ. BV sẽ vẫn quá tải, vẫn hai người nằm chung một giường nếu ngành y tế không thay đổi cung cách quản lý, điều hành BV cũng như công tác khám chữa bệnh theo chuẩn quốc tế.
BV Nhi đồng TP.HCM được khánh thành ngày 1-6-2018 với tổng vốn đầu tư 4.500 tỉ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh. Ảnh: TL
Thực tế đã chỉ ra rằng khi BV ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh, năng suất khám bệnh của BV tăng từ bốn đến tám lần. Lý do đơn giản là khi ấy thời gian bác sĩ hoàn toàn tập trung cho việc khám và chẩn đoán bệnh, không cần làm những việc không phải chuyên môn của bác sĩ như mở hồ sơ xét nghiệm, phim chụp chiếu, cặp phim chụp chiếu lên giá, bật đèn, viết đơn thuốc, viết bệnh án... Như vậy, một hệ thống công nghệ thông tin có hiệu quả lớn hơn xây một BV mới.
BV quá tải là một thực tế, thế nhưng không phải tất cả BV đều quá tải; BV tuyến trung ương quá tải nhiều hơn BV tỉnh/TP; BV khu vực, BV tỉnh/TP quá tải hơn BV quận/huyện. Như vậy, việc ngành y tế cần làm ngay là tăng cường năng lực khám chữa bệnh của BV tuyến dưới và tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức cho người dân đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế một cách hợp lý.
Việc khám bệnh có hẹn giờ (trừ bệnh nặng cấp cứu) cũng cần được triển khai trên toàn bộ BV, tránh tình trạng bệnh nhân và người nhà ngồi kín phòng khám nhiều giờ chờ đến lượt khám. Việc bệnh nhân và người nhà ngồi chờ khám quá lâu làm cho BV trở nên chật chội, tạo ra không khí ngột ngạt, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh của bác sĩ cũng như của các bệnh nhân đang khám bệnh.
Để thay đổi cung cách quản lý, điều hành BV cũng như công tác khám chữa bệnh theo chuẩn quốc tế không chỉ cần nỗ lực của ngành y tế mà cần sự cộng tác, sự thay đổi tư duy và thói quen của người dân, của toàn xã hội.