Xây dựng kịch bản ứng phó với sự 'nhảy múa' của tỷ giá

“Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ”. Đó là một trong những nội dung quan rọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6/2018 vừa được Chính phủ ban hành.

Theo đó Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ.

“Xây dựng kịch bản điều hành tỷ giá hạn chế tác động tiêu cực của những biến động kinh tế, tài chính thế giới; chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, bất ổn trên thị trường ngoại hối”, nghị quyết nêu rõ.

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, kịp thời có các giải pháp, đối sách phù hợp; phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng.

Sau một thời gian dài biến động khá mạnh, giá USD chững lại. Sau khi vọt lên mức gần 23.200 đồng, sáng nay (12-7), giá USD tự do giao động phổ biến ở mức 23.160- 23.180 đồng (mua vào- bán ra). Một số ngân hàng cũng niêm yết mua vào-bán ra USD ở mức 23.000- 23.075 đồng.

Nhiều chuyên gia dự báo đồng USD sẽ còn tăng giá so với các đồng tiền khác trong thời gian tới, nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa được giải quyết.

Nghị quyết yêu cầu: Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ nợ công; phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu, quyết tâm hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước; điều hành chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; chấn chỉnh việc chi ngân sách lãng phí, nhất là chi đi công tác nước ngoài của các địa phương. 

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá toàn diện tác động của chính sách bảo hộ thương mại của các nước để chủ động giải pháp ứng phó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới