Đại diện các doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm truyền thống cho rằng cần có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng về pháp lý để phân biệt giữa nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp.
Kể từ khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả kiểm nghiệm asen trong nước mắm đến nay thì việc bán hàng của nhiều DN, cơ sở kinh doanh nước mắm bị ngưng trệ, giảm sút và mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí đưa sản phẩm ra thị trường.
Bà Trần Dương Ngân Hà, Trưởng phòng tiếp thị của thương hiệu nước mắm Nam Phan, chia sẻ thiệt hại về doanh số của DN sau sự cố “asen” vừa qua đến giờ vẫn chưa thống kê hết được.
"Chúng tôi phải tốn rất nhiều thời gian, nhân lực để giải thích những thắc mắc, trấn an người tiêu dùng. Nhất là các thông tin xấu về nước mắm truyền thống lại được cộng đồng mạng chia sẻ tốc độ nhanh, rộng làm chúng tôi hết sức khó khăn" - bà Hà nói.
Ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, đang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: KP
Ông Tôn Thất Tấn Hoàng, đại diện thương hiệu nước mắm Thông Hương (Phan Rang), cũng cho rằng tốn nhiều thời gian, công sức khi phải trực tiếp tại quầy hàng, nơi bán sản phẩm chủ động giải thích về nước mắm truyền thống không có hóa chất, sử dụng an toàn nhưng người tiêu dùng vẫn lo lắng, bất an. Vì vậy cần phải có sự minh bạch thông tin rõ ràng để người dân yên tâm sử dụng.
“Nước mắm Ninh Thuận là nước mắm không hóa chất đảm bảo thành phần cá, nước, muối, không chất bảo quản. Riêng ở Ninh Thuận không gọi là nước mắm công nghiệp mà gọi là nước mắm hóa chất. Tỉnh tôi đánh bắt bình quân một năm sản lượng hơn 30.000 tấn cá cơm và sản xuất hơn 30 triệu lít nước mắm/năm. Bảo đảm đâu là nước mắm truyền thống nên người tiêu dùng an tâm sử dụng” - ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, cho biết.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM cho rằng chất lượng sản phẩm sẽ quyết định thị trường. Bởi lẽ, suy cho cùng thì chất lượng sản phẩm an toàn, uy tín sẽ được người tiêu dùng tìm đến, chọn lựa dù giá có cao hơn. Kế đến nữa là sản phẩm phải có mẫu mã, thương hiệu bắt mắt để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng cũng như những phương pháp hiệu quả trong hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam - ông Nguyễn Văn Hậu cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi một số quy định trong Luật Cạnh tranh về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể nếu có một bên thứ ba “đứng sau” thao túng đưa thông tin không trung thực, gièm pha nói xấu DN thì có thể bị xử lý hành chính về hành vi cạnh tranh không lành mạnh (phạt từ 10 đến 50 triệu đồng).
Đồng thời, cần có văn bản quy định pháp lý cụ thể về tiêu chuẩn, kỹ thuật phân biệt giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp để người tiêu dùng lựa chọn. Qua đó, nhằm bảo vệ nước mắm truyền thống nói riêng và những ngành truyền thống nói chung.