Các xe BRT xuất phát khoảng 7 giờ từ Bến xe Yên Nghĩa và được lực lượng TTGT, CSGT hỗ trợ phân luồng nhằm tạo thuận lợi cho xe chạy. Tuy nhiên, do xe BRT đi vào giờ cao điểm, các loại xe máy, ô tô lưu thông trên đường rất lớn nên việc di chuyển của những xe buýt này chậm hơn dự kiến.
Các xe BRT còn bị kẹt cứng ở các nhà chờ Tố Hữu - Khuất Duy Tiến, Láng Hạ… và nhích từng đoạn trên đường Lê Văn Lương, Láng Hạ. Ngoài ra, một số ô tô vẫn cố tình đi vào làn đường của xe BRT hoặc tạt ngang đầu xe BRT. Cạnh đó, trên tuyến này có biển báo cấm xe taxi lưu thông vào tuyến xe BRT vào giờ cao điểm nhưng một số xe vẫn bất chấp.
Xe buýt nhanh kẹt cứng giữa hàng loạt ô tô, xe máy. Ảnh: PHI HÙNG
Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị (Sở GTVT TP Hà Nội), cho biết xe BRT đang chạy thử nghiệm để kiểm tra việc tổ chức giao thông và nắm bắt tình hình. “Những ngày đầu, người dân chưa quen nên tình hình giao thông khá lộn xộn nhưng tôi tin khi người dân quen rồi sẽ khác. Tuy vậy, chúng tôi phải tiếp tục theo dõi để có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn” - ông Hà nói.
Theo ông Hà, buổi chạy thử đón khách chưa lớn nên cần có thời gian để người dân làm quen. Dự kiến ngày 31-12 tuyến xe buýt nhanh hoạt động chính thức, lúc đó mới đánh giá được hiệu quả cũng như những ưu, khuyết điểm của tuyến xe BRT này.
Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc hạn chế xe vào giờ cao điểm ở tuyến đường từ Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ khiến các phương tiện đổ dồn vào các đường khác. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng trong điều kiện giao thông như hiện nay, nếu không mạnh dạn làm thì sẽ không có đường để đi.