Xe hư giữa đường, đặt hộp xốp, cành cây cảnh báo sao cho đúng?

 (PLO)- Với điều kiện giao thông bình thường trên quốc lộ, đường cao tốc, khi xe hư giữa đường, khoảng cách đặt vật cảnh báo nguy hiểm phù hợp là 150-250 m.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi tham gia giao thông, thấy nhiều xe ô tô xảy ra trường hợp xe hư giữa đường thường đặt hộp xốp, nhánh cây làm vật cảnh báo. Tuy nhiên ban đêm sẽ hạn chế tầm nhìn khiến các phương tiện lưu thông khác khó nhận diện, dễ va chạm.

Xin hỏi có quy định về việc đặt vật cảnh báo và khoảng cách đối với trường hợp xe gặp sự cố giữa đường không?

Bạn đọc Phương Trần (TP.HCM)

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, trường hợp xe gặp sự cố, tai nạn, hết xăng… thì việc đầu tiên tài xế cần làm là bật đèn khẩn cấp (đèn hazard) để cảnh báo cho các phương tiện khác đang tham gia lưu thông trên đường; sau đó cố gắng di chuyển xe vào các làn dừng khẩn cấp hoặc phía bên phải đường.

xe hư giữa đường-3250.jpg
Xe hư giữa đường, cầ

Cần lưu ý, khi vào được làn khẩn cấp, tài xế vẫn bắt buộc phải bật đèn khẩn cấp để tránh ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông khác, đặc biệt ban đêm hoặc thời tiết xấu.

Ngoài ra, tài xế khi lái xe giữa đường bị hỏng hóc cũng cần chú ý:

- Không đậu xe tại các điểm khuất hoặc giao nhau trên đường.

- Kéo phanh tay để tránh xe bị trôi gây nguy hiểm.

- Đánh lái phần đầu xe về tay phải để tránh bị phương tiện khác đâm vào khiến xe trôi lệch sang khung đường chính.

- Không đứng ở phía đuôi xe, nếu đi xe chở khách phải di tản khách ngay tới vị trí an toàn để tránh xảy ra va chạm nguy hiểm.

- Nhanh chóng liên hệ đội cứu hộ để được hỗ trợ sửa chữa và di chuyển xe ra khu vực an toàn sớm nhất có thể.

- Khi xe hỏng không nên cố tự sửa chữa mà cần liên hệ tới đường dây nóng của đơn vị vận hành cao tốc, cơ quan chức năng để được hỗ trợ cẩu, kéo phương tiện vào nơi an toàn. Để xe gặp sự cố trên lòng đường càng lâu thì rủi ro càng lớn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết sương mù, trời tối, tầm nhìn giảm.

Bên cạnh việc bật đèn khẩn cấp, tài xế cần đặt các vật dụng để cảnh báo nguy hiểm như tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón,… Nếu không mang sẵn những thứ này trên xe thì có thể sử dụng đèn, đèn pin, thùng quần áo lớn, cành cây to… để thu hút sự chú ý của các tài xế khác.

Nên mang theo những vật cảnh báo lớn có thể tạo được sự chú ý, tránh những vật cảnh báo quá sơ sài khiến các tài xế khác không kịp nhận diện và quan sát.

Nên chú ý đặt vật cảnh báo nguy hiểm với khoảng cách phù hợp để tài xế các xe phía sau có đủ thời gian giảm tốc độ và đánh lái tránh.

Bên cạnh đó có thể tham khảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ, dù bộ quy chuẩn này hiện được thay bằng QCVN 41:2019/BGTVT.

Theo đó, với tốc độ vận hành trung bình của xe dưới 20 km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là dưới 50 m.

Tốc độ vận hành trung bình của xe là 20-35 km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 50-100 m.

Tốc độ vận hành trung bình của xe là 35-50 km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 100-150 m.

Tốc độ vận hành trung bình của xe là từ 50 km/h trở lên thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 150-250 m.

Như vậy, với điều kiện giao thông bình thường trên quốc lộ, đường cao tốc, khoảng cách đặt vật cảnh báo nguy hiểm phù hợp là 150-250 m.

Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy xếp các cọc tiêu hình nón tạo thành một barrier di động, để các xe khác không lao vào khu vực có xe gặp sự cố.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, khi xe gặp sự cố, tất cả mọi người nên rời khỏi xe, di chuyển ra phía sau lan can đường hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm