Chiếc xe máy điện thông minh Klara made in Việt Nam của VinFast đã chính thức mở bán vào chiều 20-11. Sau khi mở bán, VinFast Klara đã trở thành tâm điểm chú ý khi có nhiều người xếp hàng chờ mua và đăng ký xe máy.
Nhiều ông lớn vào cuộc
Vài năm trở lại đây nhiều hãng ô tô Nhật Bản, châu Âu… đang muốn phát triển nhiều sản phẩm ô tô điện tại Việt Nam, thế nhưng tất cả chỉ dừng lại ở các mẫu xe giới thiệu tại triển lãm xong rồi để đó.
Đơn cử Tập đoàn Diamler (CHLB Đức) lên kế hoạch năm 2019 sẽ đưa ra thị trường sản phẩm xe tải nhẹ sử dụng động cơ điện. Xe có thể chở 2-3 tấn hàng hóa và chạy được khoảng 100 km mới phải xạc điện. Thời gian xạc điện cũng rất nhanh, chỉ cần 1 giờ là có thể xạc đầy 80% tổng dung lượng pin. Pin của chiếc xe này được bảo hành tới 10 năm.
Trong khi các hãng xe đang lên kế hoạch thì Tập đoàn VinGroup đã triển khai những bước đầu tiên cho việc phát triển ô tô điện tại Việt Nam. Mới đây, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện xây dựng chuỗi tổ hợp dịch vụ cho toàn bộ sản phẩm xe VinFast.
Theo thỏa thuận hợp tác, tại các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex, Công ty VinFast, thành viên của Tập đoàn Vingroup sẽ khảo sát để triển khai xây dựng hệ thống dịch vụ cho các phương tiện giao thông bao gồm: trạm sạc và cho thuê pin dành cho xe điện; các trạm kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa ô tô, xe máy điện.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết tiềm năng phát triển thị trường ô tô điện là rất lớn. Với sự tham gia của các tập đoàn, hãng ô tô lớn trên thế giới thì sắp tới ô tô không khói sẽ là xu thế trong những năm tới.
Theo ông Đồng, khi các tập đoàn tham gia, cụ thể là triển khai hạ tầng dịch vụ cho xe máy điện tiến tới là ô tô điện sẽ mở đường cho các hãng xe khác cũng nhảy vào đầu tư.
“Không chỉ bảo vệ môi trường, mà việc sử dụng ô tô điện sẽ tiết kiệm rất lớn cho túi tiền của người dân nhất là chi phí nhiên liệu. Như xe máy nếu chạy trong đô thị 100 km sẽ tốn khoảng 2-3 lít xăng, còn xe máy điện tính ra chi phí sạc điện rẻ hơn một nửa khoảng 1-1,5 lít. Ô tô điện còn lợi hơn, nếu ô tô chạy xăng tốn 10-13 lít cho 100 km di chuyển thì ô tô điện tính ra chỉ 2-3 lít xăng”, ông Đồng nói.
Chưa có chính sách rõ ràng
Ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế, đơn vị phân phối chính hãng xe Audi tại Việt Nam, cho biết những năm qua việc đưa sản phẩm ô tô điện vào Việt Nam chỉ đang dừng lại ở giới thiệu công nghệ vì hạ tầng ở Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện để đưa ô tô điện ra thị trường.
Thứ hai, ông Trung cho biết các thủ tục đăng kiểm giấy tờ thủ tục cho ô tô điện vẫn chưa rõ ràng nên các hãng ô tô cũng rất e ngại để nhập sản phẩm này về Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách pháp lý phải quy định rõ ràng mới tạo điều kiện cho ô tô điện.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng không thể phát triển ô tô điện ngay mà cần lộ trình 10-20 năm để triển khai. Như châu Âu có ngành công nghiệp ô tô phát triển nhưng kế hoạch đến tận năm 2030 mới phủ hết các trạm sạc tại các nước.
Nếu muốn phát triển xe điện tại Việt Nam thì nên có các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm về thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển trạm sạc điện… Còn các điều kiện như sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu thì cần áp dụng như với ô tô chạy nhiên liệu xăng dầu.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống đại lý ô tô Hiền Toyota (huyện Bình Chánh, TP.HCM), ô tô điện phải có thiết kế đẹp và công nghệ tốt, phải nỗ lực giảm giá thành. Ô tô điện quan trọng nhất là pin, giá thành pin phải hợp lý, chi phí thay thế phải cạnh tranh với xe xăng dầu truyền thống. Việc sạc pin, đổi pin phải dễ dàng, tốn ít chi phí. Khi đó, doanh số sẽ tăng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp tăng sản lượng, dẫn đến giá bán càng có cơ sở giảm thêm.
Việc sử dụng ô tô điện sẽ tiết kiệm rất lớn cho túi tiền của người dân, nhất là chi phí nhiên liệu
Thái Lan, Indonesia ưu ái ô tô điện Thái Lan hiện dẫn đầu cuộc đua xe điện tại Đông Nam Á. Để phát triển, quốc gia này có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất xe điện. Các doanh nghiệp sản xuất xe điện trong nước được miễn thuế doanh nghiệp trong tám năm. Thời gian miễn thuế cũng sẽ được nâng lên 10 năm và sáu năm nếu các bộ phận chính như pin và động cơ được sản xuất trong nước. Máy móc dùng để sản xuất loại phương tiện này sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Indonesia công bố kế hoạch ngừng bán xe sử dụng xăng và dầu diesel vào năm 2040. Quốc gia này khuyến khích xây dựng nhà máy, thiết kế, nghiên cứu và phát triển xe điện trong nước. Bên cạnh việc hỗ trợ thuế, các doanh nghiệp trong lĩnh vực được hoàn thuế 300% nếu nghiên cứu và phát triển và 200% hoàn thuế cho các công ty đào tạo nhân lực cho ngành này. Chuyên gia Nguyễn Minh Đồng |
VinFast công bố chính sách giá “3 Không - không chi phí khấu hao, không chi phí tài chính và không lãi” cho toàn bộ sản phẩm ô tô và xe máy điện trong giai đoạn đầu. Riêng sản phẩm xe máy điện Klara vừa ra mắt – ngoài chính sách “3 Không” sẽ được áp dụng thêm chính sách ưu đãi đặc biệt, chỉ còn khoảng 60% giá thành. Theo đó, giá “3 Không” của xe VinFast Klara phiên bản pin Lithium là 57 triệu đồng; phiên bản ắc quy axít là 34 triệu đồng. Khi áp dụng thêm chính sách ưu đãi đặc biệt, giá của xe VinFast Klara dùng pin Lithium chỉ còn 35 triệu đồng/xe cho lô đầu tiên và 39,9 triệu đồng/xe cho lô thứ hai. Tương tự, giá xe VinFast Klara dùng ắc quy axít – chì chỉ còn 21 triệu đồng/xe lô đầu tiên; 25 triệu đồng/xe lô thứ hai. Hết thời gian áp dụng chính sách đặc biệt, giá xe VinFast Klara sẽ được điều chỉnh dần về lại mức “3 Không”. VinFast Klara có kiểu dáng tương tự các mẫu xe tay ga chạy xăng truyền thống. Phần yên xe có thiết kế chở được hai người, sàn để chân phẳng, khoang chứa đồ nằm dưới yên thể tích 22 lít, giảm xóc đôi phía sau, vành hợp kim đúc 14 inch, đi kèm lốp không săm. |