Ngày 29/1/2011, đài truyền hình quốc gia Nile TV đưa tin các quan chức trong nội các của nước này đã đệ đơn từ chức.
Song bất chấp việc Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã sa thải nội các và cam kết tiến hành cải cách kinh tế và chính trị, sáng 29/1/2011, hàng chục nghìn người vẫn tiếp tục xuống đường trong cuộc biểu tình chống chính phủ nay đã bước sang ngày thứ năm.
Những người biểu tình tuần hành ở thủ đô Cairo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những người biểu tình tập trung tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo đòi Tổng thống Mubarak từ chức. Trong khi đó, bạo lực cũng nổ ra tại thành phố cảng Ismailiya ở phía Đông thủ đô Cairo với thành phần tham gia chủ yếu là công nhân cảng, khiến cảnh sát phải dùng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông.
Trong bối cảnh tình hình Ai Cập tiếp tục diễn biến phức tạp, chính quyền đặc khu hành chính Hongkong của Trung Quốc đã khuyến cáo người dân không nên đến Ai Cập vào thời điểm này.
Chính phủ Philippines lên tiếng đảm bảo với các công dân Philippines tại Ai Cập và thân nhân của họ ở trong nước rằng chính phủ đã sẵn sàng bảo vệ người dân ở đất nước Trung Đông đang bất ổn này và đã có phương án di chuyển người dân tới nơi an toàn nếu tình hình nghiêm trọng hơn. Hiện ở Ai Cập có khoảng 6.500 người Philippines đang sinh sống.
Trong một tuyên bố ngày 28/1/2011, Bộ Ngoại giao Brazil nói nước này hy vọng các cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập, Tunisia và Yemen sẽ được giải quyết "hòa bình và không có sự can thiệp từ bên ngoài."
Bộ Ngoại giao Brazil cũng mong các nước bạn bè của quốc gia Nam Mỹ này tìm ra con đường hướng tới giải pháp chính trị phù hợp với nguyện vọng của nhân dân trong một môi trường hòa bình và không có sự can thiệp của bên ngoài.
Brazil và các quốc gia Nam Mỹ tiếp tục hợp tác với các nước Arập khi hội nghị thượng đỉnh các nước Nam Mỹ-A rập (ASPA) sẽ diễn ra tại thủ đô Lima của Peru vào ngày 16/2/2011. ASPA sẽ là một cơ hội để nối lại đối thoại với các nhà lãnh đạo trong khu vực.
Ai Cập hiện là đối tác thương mại chính của khối Mercosur gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, đặc biệt trong năm 2010 khi hai bên đã ký một hiệp định thương mại tự do.
Theo TTXVN/Vietnam+