“Xe vua”: Dân nói có, cơ quan chức năng nói không

“Xe vua” - có hay không? PV Tuổi Trẻ ghi nhận dư luận và thực tiễn ở một số địa phương rồi đặt câu hỏi này lên bàn của các vị lãnh đạo cơ quan chức năng và đều nhận được câu trả lời rằng không có hoặc chưa nghe nói đến.

Xe chở đá tung hoành

Theo anh Hùng - một người từng nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, hiện các xe chở đất đá ở Đồng Nai, chủ yếu là xe chạy cự ly ngắn, trong vài chục cây số, cung cấp qua lại ở các tỉnh thành giáp ranh khu vực Đông Nam bộ. Khi hỏi những xe chở đất đá có phải là “xe vua”, anh Hùng nói nhiều năm trước Đồng Nai có tai tiếng bởi các tập đoàn xe ben chở đất chạy ầm ầm nhưng không bị xử lý đến nơi đến chốn. Tình trạng này còn không? Anh Hùng đáp: “Dần dần người ta làm ăn cũng kín kẽ hơn, khuất mặt chứ không lộ diện. Xe nếu chở quá tải chạy qua thì lực lượng chức năng lại đi ăn cơm”.

Để chứng minh “xe vua” có còn không, PV Tuổi Trẻ nhiều lần đến khu vực mỏ đá ở đường Suối Siệp trên quốc lộ 1K (P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ở đây, xe chở đá ầm ầm nối đuôi nhau ra vào mỏ. Chỉ trong cuối buổi sáng 30-7, có gần 100 xe ben chạy vội vã ra vào mỏ đá. Nhiều xe chở đá vượt khỏi thùng xe, phủ bạt sơ sài rồi “đua” về quốc lộ 1K, sau đó rẽ về hướng TP.HCM hoặc qua trạm thu phí để vào trung tâm TP Biên Hòa. Các xe ben đánh cua rất nhanh, khiến đá rơi ào ào xuống đường. Một người dân buôn bán gần mỏ đá nói: “Bao nhiêu năm rồi dân kêu vẫn vậy”.

Theo ghi nhận, trong ngày 29 và 30-7 cho thấy khá nhiều xe ben chở đá nối đuôi đi từ thị xã Dĩ An qua TP Biên Hòa và khu vực thị xã Dĩ An nhưng không thấy lực lượng nào kiểm tra xử lý. Giải thích vì sao tình trạng xe ben chở đá quá khổ quá tải hoạt động công khai cả ngày lẫn đêm, anh Hùng nói đây là chuyện có nhiều mối quan hệ chằng chịt nên “không dễ dàng xử lý”.

Nói về tình trạng xe ben chở đá, giới làm hầm đá ở khu vực tỉnh Bình Dương, Đồng Nai kể vanh vách hàng chục xe của từng “ông chủ” tại khu vực P.Tân Vạn, Bửu Hòa, Tân Hạnh (TP Biên Hòa), xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) và ở thị xã Dĩ An. “Xe của mấy ông này có uy tín, chủ hầm mướn chạy cũng an tâm, có chuyện gì họ lo chứ chủ hầm không phải bận tâm” - một người kinh doanh hầm đá nói.

Khi được hỏi chuyện về “xe vua” ở tỉnh Đồng Nai, một cảnh sát giao thông thường làm nhiệm vụ trên các tuyến quốc lộ xua tay nói: “Thôi, hỏi làm chi mấy cái này!”.

 Xe ngoại tỉnh bắt, xe trong tỉnh chạy vô tư

Sáng 30-7, trong khi nhiều xe có dấu hiệu quá tải mang biển số ngoại tỉnh bị bắt vào trạm cân Bình Thuận để xử lý thì có nhiều xe tải biển số Bình Thuận vẫn vô tư chạy trên đường.

Trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn xã Hàm Thắng (huyện Hàm Thuận Bắc), xe tải biển số Bình Thuận bon bon chạy trong đường với đầy ắp cát xây dựng trong thùng xe. Dù thùng xe được phủ bạt che kín nhưng nước cát từ thùng xe chảy xuống mặt đường. Chiếc xe này chạy vào TP Phan Thiết theo quốc lộ 1, đến Khu công nghiệp Phan Thiết rẽ phải vào quốc lộ 28 chạy về hướng thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc). Một chiếc xe tải khác chạy từ địa phận TP Phan Thiết rẽ vào quốc lộ 28. Cát được chở trên thùng xe này được che chắn sơ sài, dọc tuyến đường mà chiếc xe này đi qua văng tung tóe cát đỏ. Cả hai xe này đều không bị lực lượng nào phát hiện và xử lý.

Còn trên quốc lộ 1 đoạn đi qua trạm cân, xe tải biển số Bình Thuận có dán tờ giấy “xe thi công mở rộng quốc lộ 1” trên cabin. Thùng xe này chở đầy cát, được che bạt lại nhưng do che không hết nên cát rơi đầy đường. Như nhiều xe mang biển số Bình Thuận khác, xe này đi qua trạm cân trên quốc lộ 1 mà vẫn “bình yên vô sự”.

Trong khi đó, rất nhiều xe của các tỉnh không thoát khỏi trạm cân Bình Thuận. Trạm cân này có hẳn xe tuần tra lưu động tuần tra trên quốc lộ, đuổi bắt những xe có dấu hiệu chở quá tải để đưa về trạm cân. Hơn ba tháng qua kể từ khi trạm cân Bình Thuận đi vào hoạt động, hàng loạt xe tải “khủng” mang biển số các tỉnh Phú Yên, Bình Định bị xử lý tại trạm cân Bình Thuận.

Chúng tôi chưa nghe có tình trạng “xe vua”

Trả lời câu hỏi ở tỉnh Đồng Nai có “xe vua” hay không, ông Dương Mạnh Hưng - chánh Thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai - nói: “Chúng tôi chưa nghe có tình trạng “xe vua” hoặc có sự can thiệp nào. Quan điểm của chúng tôi khi kiểm tra, phát hiện xe vi phạm là xử lý”. Ông Hưng thừa nhận có xe quá tải, làm rơi vãi vật liệu xây dựng trên đường xảy ra tại các quốc lộ 1, 51, 20 và 1K.

Còn ông Huỳnh Ninh Thạch, chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Bình Thuận, nói các tài xế chạy xe trong tỉnh rành đường sá nên họ có nhiều cách né trạm cân. “Chúng tôi xử lý hết các trường hợp xe quá tải khi tuần tra kiểm soát chứ không phân biệt xe trong tỉnh hay ngoài tỉnh. Tôi khẳng định tại Bình Thuận không có xe nào là xe vua” - ông Huỳnh Ninh Thạch giải thích.

Đại tá Nguyễn Thanh Hùng, phó giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tại Bà Rịa - Vũng Tàu không hề có chuyện “xe vua” vượt trạm, lãnh đạo công an tỉnh cũng chưa nghe ai phản ảnh hay có đơn thư về chuyện “xe vua”. “Tôi khẳng định chắc chắn không có xe chở quá tải nào đi ngang qua trạm cân mà không bị “ăn” biên bản” - ông Hùng nói.

Theo trung tá Lâm Văn Long - trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Phước, ở Bình Phước không có bất cứ đoàn “xe vua” nào, cũng không có tình trạng bảo kê, mua đường, mua tuyến như dư luận đồn thổi.

Theo THẾ THIÊN - N.NAM - Đ.HÀ - B.LIÊM/TTO (còn tiếp)

Dán “lệnh bài” để dễ nhận biết

Anh H., một tài xế chuyên chạy xe tải tuyến TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL, cho biết “xe vua” có quy luật riêng của nó. Đối với những doanh nghiệp lớn, có nhiều xe thì sẽ dán tên doanh nghiệp với khổ lớn lên phía đầu xe để phân biệt. Những doanh nghiệp nhỏ hoặc các xe “mồ côi” muốn tham gia “tập đoàn xe vua” thì phải đóng “hụi chết” thông qua “cò” để được dán “lệnh bài” lên trước xe. “Lệnh bài” thực tế là những logo có riêng của đơn vị nào đấy. Theo anh H., từ khi có chủ trương siết xe quá tải trọng thì một số doanh nghiệp được coi là có “xe vua” thụt lại, thường chở đúng tải, nhưng hiện vẫn có không ít xe mà theo anh là vẫn chạy thoải mái trên các tuyến đường miền Tây.

Chủ một doanh nghiệp vận tải chuyên chở hàng từ TP.HCM về Kiên Giang qua quốc lộ 80 cũng nói doanh nghiệp nào không “mua đường” thì rất dễ bị phạt, còn doanh nghiệp nào “mua đường” sẽ có ký hiệu riêng. Theo chủ doanh nghiệp này, không phải lúc nào cũng “mua đường” được, có khi phải đối phó bằng cách né trạm.

Đại tá Huỳnh Đấu Tranh, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP Cần Thơ, cho biết đơn vị chưa nhận đơn tố cáo nào liên quan đến việc bảo kê, bị “mua đường”, làm ngơ cho xe quá tải lưu thông. “Không có bất cứ ngoại lệ nào, không có chuyện lãnh đạo gửi gắm cho các xe quá tải”. Về thông tin có sự xuất hiện logo “ưu tiên” với những ký hiệu đặc biệt, đại tá Tranh nói chưa nghe thông tin này, tại Cần Thơ cũng chưa phát hiện xe nào dán ký hiệu làm dấu, chẳng có ai gửi gắm các xe như vậy.

C.QUỐC - P.NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm