Xét xử vụ nhận hối lộ tại trung tâm đăng kiểm 66-02D ở Đồng Tháp

(PLO)-  Trần Lập Nghĩa bị cáo buộc đưa ra chủ trương cho giám đốc trung tâm đăng kiểm và các nhân viên nhận hối lộ để bỏ qua lỗi khi kiểm định phương tiện, nhận hối lộ hơn 2,4 tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-3, TAND tỉnh Đồng Tháp đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án giám đốc trung tâm đăng kiểm Trung tâm Đăng kiểm ở Đồng Tháp nhận hối lộ.

Các bị cáo gồm Trần Lập Nghĩa (ngụ TP.HCM), Nguyễn Thành Nguyễn (đăng kiểm viên), Trần Thị Ngọc Dung (nhân viên văn phòng), Trần Thanh Nhã (đăng kiểm viên), Lê Minh Nhí (nhân viên), Kim Thị Huỳnh Duy về tội nhận hối lộ. Hai bị cáo Nghĩa và Nguyễn còn bị truy tố về về tội giả mạo trong công tác.

Tuy nhiên, phiên toà tạm hoãn do vắng bị cáo Nghĩa (đang bị tạm giam tại TP.HCM) và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Phiên toà sẽ được mở lại vào ngày 23-4 tới.

Hai cách thức nhận hối lộ

Theo cáo trạng, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 66-02D trực thuộc Công ty TNHH MTV Đức Khôi do bà TTNT làm Chủ tịch kiêm Giám đốc. Trung tâm do Nghĩa (em ruột bà T) làm chủ đầu tư, quản lý và điều hành.

nhận hối lộ
Cáo trạng xác định Trần Lập Nghĩa là người chủ mưu, chỉ đạo việc nhận hối lộ của chủ phương tiện với tổng số tiền hơn 2,4 tỉ đồng

Trước khi trung tâm hoạt động, với vai trò chủ đầu tư và là quản lý điều hành trung tâm, Nghĩa tổ chức cuộc họp và đưa ra chủ trương thu tiền phụ thu bỏ qua lỗi khi kiểm định phương tiện có lỗi không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận để cấp sổ kiểm định. Nghĩa thành lập nhóm trên Viber đặt tên là “66-02D”, mục đích để các bị can trao đổi, thông báo lỗi của phương tiện để đưa ra giá tiền phụ thu.

Quá trình điều tra xác định có 02 cách thức gợi ý nhận hối lộ của các chủ phương tiện khi đến trung tâm đăng ký thủ tục đăng kiểm xe cơ giới:

Cách thứ nhất, trường hợp chủ phương tiện đến đăng kiểm theo quy trình thì đến bàn làm việc của Dung đăng ký, lấy số thứ tự. Sau đó chủ phương tiện điều khiển xe ra phía sau của trung tâm để vào khu vực kiểm định theo quy trình năm công đoạn do Nguyễn, Nhã, Nhí thực hiện; còn Nhã là người kết luận sau cùng về kết quả kiểm định.

Khi phát hiện phương tiện có lỗi Nhã ghi phiếu sữa chữa để chủ phương tiện cầm phiếu quay lại gặp Dung. Lúc này, Dung đặt vấn đề với chủ phương tiện và đưa ra số tiền phụ thu để được kiểm định lại và bỏ qua lỗi. Có trường hợp Dung trao đổi với Nguyễn thống nhất lỗi và mức phụ thu. Khi chủ phương tiện đồng ý thì Dung nhắn lên trên nhóm “66-02D” thông tin về biển kiểm soát phương tiện và số tiền phụ thu.

Sau khi chủ phương tiện đóng tiền thì mang phương tiện quay trở vào thực hiện kiểm định lại; lúc này Nguyễn, Nhã, Nhí thực hiện các công đoạn, sửa trên phiếu đăng kiểm kết quả “đạt” và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho chủ phương tiện.

xet-xu-trung-tam-dang-kiem-dong-thap.jpg
Nguyễn Thành Nguyễn, Giám đốc, Đăng kiểm viên xe cơ giới trung tâm đăng kiểm. Ảnh: CAĐT

Cách thứ hai, trường hợp khi chủ phương tiện đến đăng ký thông tin để đăng kiểm và biết lỗi của xe mình là gì thì bị can Dung gợi ý tại dịch vụ làm nhanh, nếu chủ phương tiện đồng ý nộp tiền phụ thu (không phiếu thu) để được bỏ qua. Chủ phương tiện đồng ý thì Dung thông báo lên nhóm “66-02D” như trên. Khi kiểm định, nếu phương tiện có lỗi thật thì Nguyễn, Nhã, Nhí thực hiện qua loa các công đoạn và cho ra kết quả kiểm định “đạt” để cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Tùy mức độ lỗi Dung, Nguyễn ra giá thu từ 200.000 đồng đến 1.500.000 đồng/phương tiện. Duy hoặc Nhí là người nhận tiền rồi chuyển tiền vào tài khoản của Nghĩa.

Nhận hối lộ hơn 2,4 tỉ đồng

Trong ngày 14-10-2022, các bị cáo bị bắt quả tang đã nhận tiền phụ thu của 44 phương tiện để bỏ qua lỗi khi kiểm định với số tiền 18,6 triệu đồng

Kết quả điều tra xác định từ ngày trung tâm 66-02D khai trương (8-2-2022) đi vào hoạt động đến khi bị bắt quả tang, các bị cáo đã nhận tiền phụ thu của 5.202 phương tiện không đạt chuẩn với tổng số tiền hơn 2,4 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đều chuyển vào tài khoản của Nghĩa, các bị cáo khác không hưởng lợi mà chỉ làm công ăn lương cố định hàng tháng.

xet-xu-trung-tam-dang-kiem-dong-thap-1.jpg
Trần Thị Ngọc Dung, Lê Minh Nhí và Trần Thanh Nhã bị bắt trước đó

Ngoài ra, quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn phát hiện bị cáo Nghĩa và Nguyễn có hành vi giả mạo trong công tác. Theo cáo trạng, nhân lực trong đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo mỗi dây chuyền kiểm định có tối thiểu 03 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

Do tại trung tâm không có đủ đăng kiểm viên để thực hiện các công đoạn kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới nên Nghĩa chỉ đạo Nguyễn lập khống các hợp đồng giả mạo các đăng kiểm viên hoặc người không là đăng kiểm viên không có trình độ chuyên môn về đăng kiểm để hoàn thành các quy trình đăng kiểm; lập hồ sơ phương tiện, kiểm định, in Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định không đúng quy định.

Cáo trạng xác định Trần Lập Nghĩa là chủ mưu, chỉ đạo việc nhận hối lộ của chủ phương tiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm